Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 mới được công bố, Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam (MCK: GVR) đã lên kế hoạch thoái vốn tại KCN Nam Tân Uyên (MCK: NTC). GVR hiện đang nắm giữ hơn 20,4% vốn tại KCN Nam Tân Uyên.
Cơ cấu cổ đông lớn tại KCN Nam Tân Uyên
Bên cạnh Nam Tân Uyên, GVR cũng sẽ tiếp tục thoái vốn CTCP Phát triển đô thị và KCN cao su Việt Nam (MCK: VRG), bán cổ phiếu thưởng của CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (MCK: SIP)…; đồng thời, tăng cường nguồn thu từ trả đất về địa phương, từ lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hợp tác kinh doanh.
Theo GVR, điều này nhằm góp phần giúp Tập đoàn rà soát và cân đối các nguồn thu trong năm. Nguyên nhân xuất phát từ việc các dự án tái canh trồng cao su không được miễn tiền thuê đất nông nghiệp trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản, số tiền thuê đất phải nộp thay đổi theo từng địa phương, từng khu vực. Vì vậy, GVR sẽ phải tính toán để thực hiện hoàn thành nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước.
Kế hoạch năm 2021, Tập đoàn sẽ tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư để triển khai đầu tư các KCN mở rộng như Nam Tân Uyên giai đoạn 2, Rạch Bắp. Theo đó hướng đến giai đoạn 2021 - 2030 với kỳ vọng thành lập mới và mở rộng 48 KCN, 28 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 39.000 ha từ chuyển đổi đất trồng cao su.
Được biết, đầu tư phát triển hạ tầng KCN trên đất cao su là một trong năm ngành nghề chính, đem lại khoản doanh thu và lợi nhuận rất lớn cho GVR.
Tính đến cuối năm 2020, Tập đoàn Cao su đang đầu tư vào 11 công ty hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng KCN như Nam Tân Uyên, Tân Bình, Dầu Giây, Rạch Bắp, VRG Long Thành,… với tổng diện tích trên 6.000 ha. Lợi nhuận từ khối dịch vụ hạ tầng KCN trong năm 2020 chiếm tỷ trọng 17% tổng lợi nhuận của toàn Tập đoàn và được kỳ vọng nâng lên mức 25% trong năm 2025.
Mục tiêu LNST gần 4.600 tỷ đồng
Mục tiêu quan trọng nữa trong năm nay của Tập đoàn Cao su là việc hoàn tất quyết toán khi chuyển từ doanh nghiệp Nhà nước sang CTCP. Bên cạnh đó, GVR cũng sẽ hoàn thành việc bảo vệ đề án tái cơ cấu toàn diện Tập đoàn sau cổ phần hóa và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trong đó, trọng tâm là thoái vốn ngoài doanh nghiệp, sáp nhập doanh nghiệp, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp gắn với việc thoái vốn đầu tư, phát triển các KCN trên đất cao su bao gồm các dự án mới và các dự án mở rộng. Tập đoàn và các đơn vị thành viên sẽ là chủ đầu tư trực tiếp trên đất cao su chuyển đổi, hoặc thành lập doanh nghiệp nhằm huy động thêm vốn từ bên ngoài.
Về chỉ tiêu cụ thể trong hoạt động, Tập đoàn Cao su mục tiêu doanh thu hợp nhất và thu nhập khác gần 27.000 tỷ đồng, kỳ vọng mức lợi nhuận trước thuế hơn 5.700 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 4.600 tỷ đồng.
GVR cũng dự kiến sẽ sử dụng hơn 2.600 tỷ đồng, chủ yếu dùng cho việc đầu tư tài chính dài hạn tại công ty TNHH MTV và các doanh nghiệp khác.
Kế hoạch năm 2021 của GVR