Khu vực giới thiệu của Vinfast gồm 3 phần. Trong đó, hình ảnh về một nhà máy không có con người được trình chiếu tại một màn hình tương tác. Theo nhân viên phụ trách, nhà máy của Vinfast tại Hải Phòng sẽ được ứng dụng thành tựu Công nghiệp 4.0. Các máy móc sẽ được kết nối với nhau qua mạng không dây và người quản lý có thể theo dõi mọi thông tin về tình hình sản xuất, tình trạng hoạt động của thiết bị từ xa.
Đáng chú ý, một robot của hãng ABB (Thụy Sỹ) cũng xuất hiện trong khu vực giới thiệu của Vinfast. "Đây là một trong số những nhà cung cấp thiết bị cho nhà máy ô tô tại Hải Phòng. Việc lắp đặt thiết bị sẽ bắt đầu từ đầu tháng 8/2018, sau khi chúng được nhập khẩu về nước" – nhân viên Vinfast giải thích.
Cùng với ABB, các đơn vị đã có thỏa thuận với Vinfast cũng sẽ cung cấp dây chuyền sản xuất, thiết bị và máy móc cho 5 phân xưởng của hãng, bao gồm: xưởng dập, xưởng hàn thân xe, xưởng sản xuất động cơ, xưởng sơn và xưởng lắp ráp, hoàn kiện và kiểm tra xe.
Nhiều câu hỏi về sản phẩm ô tô sử dụng năng lượng điện đã được đặt ra với phía Vinfast. Sản phẩm này có thể chạy được bao nhiêu km trước khi hết điện? Vinfast sẽ xây dựng các trạm nạp nhiên liệu hay chọn cách thiết lập những điểm thu đổi ắc quy,… là những vấn đề được nhiều khách tham quan chú ý. Tuy nhiên, đại diện Vinfast đã từ chối cung cấp những thông tin chi tiết cho tới khi sản phẩm chính thức ra mắt khách hàng Việt Nam.
Cách đây 2 tuần, Vinfast đã công bố mua lại toàn bộ hoạt động của General Motor (GM) Việt Nam. Trước đó ít ngày, doanh nghiệp này đã tổ chức buổi hội thảo tại Đức, thu hút sự tham gia của hơn 300 nhà cung cấp linh kiện và phụ tùng ô tô trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp này đã ký kết thỏa thuận với AAPICO (Thái Lan) để thành lập liên doanh sản xuất thân vỏ xe. Đồng thời, đạt được nhiều thỏa thuận với các tên tuổi lớn trong ngành ô tô thế giới như BMW (đối tác chuyển giao license sản xuất Sedan và SUV), GM (đối tác chuyển giao license sản xuất ô tô cỡ nhỏ), Magna Steyr (đối tác tư vấn về công nghệ sản xuất ô tô), AVL (đối tác tư vấn về công nghệ hệ thống truyền động, động cơ và sản xuất động cơ), Bosch Việt Nam, Siemens Việt Nam,…
Hiện tại, việc phát triển công nghiệp ô tô ở Việt Nam đang gặp khó khăn do công nghiệp hỗ trợ còn yếu. Toyota Innova (do Toyota Việt Nam sản xuất) đang là mẫu xe có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất Việt Nam, đạt 37%. Trong khi đó, Phó Tổng Giám đốc Vingroup phụ trách dự án Vinfast từng tuyên bố rằng, sản phẩm của hãng sẽ đạt tỷ lệ nội địa hóa 40% và có thể lên đến 60% vào năm 2025.
"Vào tháng 9/2019, khi các nhà máy sản xuất động cơ và sản xuất xe ô tô của Vinfast đi vào hoạt động SOP, chúng ta sẽ biết, thấy và cảm nhận đầy đủ về mức độ và tác động của đề án ô tô thương hiệu Việt Nam – Vinfast" – ông Võ Quang Huệ viết trên trang cá nhân.