Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) vừa có tổng kết tình hình kinh doanh nửa đầu năm, cũng như kế hoạch cho nửa năm còn lại. Ghi nhận, sau 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và đặc biệt là đại dịch Covid-19. Lợi nhuận sụt giảm do dịch bệnh lan rộng trên toàn cầu trong những tháng đầu năm 2020 đã khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các ngành nghề nói chung và ngành dệt may nói riêng đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Dưới tác động tiêu cực đó, hiệu quả sản xuất kinh doanh của hầu hết các đơn vị thành viên trực thuộc Tập đoàn đều sụt giảm dẫn đến kết quả quý 2 không mấy khả quan. Cụ thể, tính riêng quý 2/2020, doanh thu thuần của Tập đoàn đạt 3.082 tỷ đồng giảm 36% so với cùng kỳ, giá vốn hàng bán chiếm tới 91% trong doanh thu thuần nên lãi gộp đạt 280 tỷ đồng, giảm 36% so với quý 2/2019; trong khi lũy kế 6 tháng đầu năm 2020 giảm 24,5% so với cùng kỳ, đạt 7.046 tỷ đồng, LNST đạt 276 tỷ đồng, giảm 20,7% so với nửa đầu năm 2019 (tháng 4/2020 hầu như không có doanh thu do miền Bắc bị áp dụng lệnh giãn cách xã hội và sản xuất kinh doanh ở miền Nam rất hạn chế).
Trong kỳ, Tập đoàn có hơn 69 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, tăng 25% so với cùng kỳ trong khi chi phí tài chính giảm đáng kể, từ 174 tỷ đồng xuống còn 88,6 tỷ đồng. Hoạt động liên kết có lãi 122 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ nên sau khi trừ các khoản chi phí, Tập đoàn lãi ròng 120 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ, trong đó LNST Công ty mẹ đạt 64,4 tỷ đồng.
Một số mã cổ phiếu nổi trội trước đây của các đơn vị thành viên trực thuộc Tập đoàn như Tổng CTCP May Việt Tiến (VGG), Sợi Phú Bài với (SPB) đồng loạt giảm từ ½ đến ¼ giá trị cổ phiếu do dịch Covid – 19. Hiện nay, các công ty ngành sợi đều đồng loạt báo cáo lỗ và điểm sáng duy nhất trong 6 tháng đầu của năm 2020 đó là trữ lượng tiền mặt cuối kỳ của Tập đoàn chỉ giảm khoảng 10% nhờ các biện pháp cắt giảm các chi phí, "thắt lưng buộc bụng".
Ông Lê Tiến Trường cho biết, tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn đã được lên kế hoạch và dự báo khá sát so với kết quả hiện tại. Ông cho rằng, 6 tháng đầu năm chưa phải là thời điểm khó khăn nhất, do kinh tế vẫn còn được thông thương và số ca nhiễm bệnh chưa tăng cao như hiện nay. Tuy nhiên, so với thời điểm hiện tại khi mà thế giới đang bước vào thời kỳ không thể kiểm soát được dịch bệnh, việc làm chưa tạo lập lại, tiền trong các quốc gia đều đang ở trạng thái cạn kiệt và nhu cầu tiêu dùng giảm, thì quý 3 và quý 4 của năm 2020 mới thật sự là thử thách đối với ngành dệt may.
Xét về mức độ suy giảm chung của ngành dệt may trên toàn thế giới, Việt Nam vẫn là điểm sáng khi ghi nhận giảm 14%, trong khi Bangladesh và Ấn Độ đều giảm 23% trong 6 tháng đầu năm. Hiện nay, đơn hàng cho quý 4 hầu như chưa có và là một thách thức vô cùng lớn cho kế hoạch kinh doanh của Tập đoàn. Những đơn hàng khẩu trang cũng đã đảo chiều, số lượng không nhiều trong khi giá lại giảm đến mức chỉ vừa đủ chi phí sản xuất. Tuy nhiên, Tập đoàn sẽ nỗ lực tối đa, bám chặt mọi cơ hội kinh doanh dù nhỏ nhất, chấp nhận tổ chức sản xuất linh hoạt, sản xuất cả những mặt hàng chưa từng làm để hạn chế suy giảm cũng như duy trì công ăn việc làm cho người lao động.