Cụ thể, qua nghiên cứu của Tập đoàn FLC, Quảng Ninh là địa phương có thổ nhưỡng, khí hậu, thị trường tiêu thụ nông sản… phù hợp trong phát triển nông nghiệp. TP Móng Cái và Đầm Hà là 2 địa phương mà Tập đoàn mong muốn được nghiên cứu, phát triển các dự án đầu tư xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao.
Qua rà soát, trên địa bàn huyện Đầm Hà hiện có 2 địa điểm có khả năng triển khai thực hiện dự án, đó là: khu vực xã Tân Bình và xã Quảng Lâm, tổng diện tích nghiên cứu khoảng 545ha; khu vực đất xã Dực Yên và xã Quảng An, tổng diện tích nghiên cứu khoảng 688ha. Phần thực hiện dự án chủ yếu lấy từ rừng sản xuất.
Mục tiêu dự án của Tập đoàn FLC là xây dựng vùng nông nghiệp công nghệ cao, đảm bảo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế; cung ứng sản phẩm nông nghiệp sạch; hình thành vùng sản xuất nông nghiệp lớn, tập trung cho xuất khẩu. Đồng thời kết hợp trải nghiệm, vui chơi, du lịch… Chính vì vậy, Tập đoàn FLC mong muốn tỉnh nhanh chóng bố trí mặt bằng phù hợp để triển khai dự án nhanh nhất.
Trước đề xuất của FLC, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc đánh giá cao việc Tập đoàn FLC đã phát triển dự án đầu tư xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh. Đây là dự án phát triển nông nghiệp có quy mô, trong tương lai sẽ tạo ra vùng sản xuất nông nghiệp tập trung công nghệ cao quy mô lớn. Qua đó, nâng cao giá trị diện tích đất sản xuất, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp không chỉ tại Đầm Hà và mà các địa phương lân cận.
Chủ tịch HĐND tỉnh chỉ đạo, đối với vấn đề GPMB để thực hiện dự án phải trên quan điểm phải hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, phía Tập đoàn khi triển khai dự án cần ưu tiên bố trí lao động tại các xã có dự án.
Được biết, trước Quảng Ninh mới đây FLC dự kiến đầu tư 3 dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Quảng Trị. Các địa điểm triển khai xây dựng vùng nông nghiệp công nghệ cao thuộc địa bàn xã Cam Tuyền (Cam Lộ) và xã Triệu Trạch (Triệu Phong), tỉnh Quảng Trị. Được biết, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao mà Tập đoàn FLC sẽ triển khai thực hiện gồm các loại cây trồng chủ yếu: ớt, chanh dây, cam, thanh long… và một số loại cây trồng nhập khẩu khác để chế biến đóng gói xuất khẩu và phục vụ nhu cầu trong nước.