Chiều ngày 17/11 theo giờ địa phương, nhân dịp dự Hội nghị APEC lần thứ 26 tại Papua New Guinea, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp mặt, trao đổi với một số tập đoàn lớn của Hoa Kỳ về các vấn đề doanh nghiệp quan tâm.
Hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá rất cao. Hai bên hiện còn nhiều dư địa để hợp tác, đặc biệt là về kinh tế, thương mại, đầu tư – là một trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước.
Theo Thủ tướng, quy mô thương mại hai chiều đã tăng 35 lần trong 18 năm qua. Tốc độ xuất khẩu của Mỹ vào Việt Nam năm nay tăng 37%.
Ông cũng bày tỏ mong muốn lắng nghe các ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của các doanh nghiệp đối với Chính phủ Việt Nam.
"Chúng tôi đến đây với nhiều ý tưởng muốn chia sẻ với Ngài", bà Monica Whaley, Chủ tịch Trung tâm Mỹ về APEC chia sẻ. Bà cho biết nhiều doanh nghiệp có mặt trong buổi gặp có đầu tư vào Việt Nam và họ rất mong có nhiều cơ hội tiếp xúc, trao đổi với các cơ quan chức năng của Việt Nam.
Đại diện Tập đoàn UL cho biết, doanh nghiệp mới mở một phòng thí nghiệm ở Việt Nam để kiểm tra sản phẩm dệt may, đồ gỗ và nhìn nhận, chất lượng sản phẩm của Việt Nam tốt. Vị này bày tỏ muốn được biết về định hướng hợp tác thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ thời gian tới.
Tập đoàn UL là đơn vị hàng đầu thế giới trong lĩnh vực thử nghiệm, kiểm định, chứng nhận, kiểm tra và xác nhận. UL được xem là một bên thứ 3, hoạt động đánh giá của họ không tiến hành vì lợi ích tổ chức hay tài chính đối với sản phẩm. Do đó, người tiêu dùng có sự tin tưởng nhất định đối với hàng hoá được gắn tem nhãn có logo UL. Tại Việt Nam, ký hiệu UL thường xuất hiện trên các sản phẩm ngoại nhập chất lượng và hiện chỉ có ở một vài thương hiệu cao cấp trong nước.
Về vấn đề này, Thủ tướng cho biết, hai nước đã có cơ chế hợp tác của Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam – Hoa Kỳ (TIFA), hiện đang hoạt động tốt. Chính phủ Việt Nam luôn đồng hành, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thành công. Việc UL mở phòng thí nghiệm kiểm tra sản phẩm là đáng hoan nghênh vì thông qua đó, có thể cảnh báo sớm về chất lượng hàng hóa cho nhau.
Góp ý về một số văn bản chính sách của Việt Nam trong các lĩnh vực như y tế, chăn nuôi, lãnh đạo các Tập đoàn Shire, Cargill mong muốn được đối thoại với các cơ quan chức năng của Việt Nam trong quá trình soạn thảo văn bản mới trong lĩnh vực này.
"Những gì cản trở về thể chế, chính sách thì chúng tôi đều xem xét, chỉnh sửa", Thủ tướng khẳng định và cho biết sẽ giao bộ, ngành liên quan kiểm tra, nếu có rào cản thì sẽ sửa đổi cho phù hợp.
Ông đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam thời gian tới và sẽ có thêm nhiều hơn nữa các doanh nghiệp thành công. Chính phủ, các bộ, ngành, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sẽ tiếp tục gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình đầu tư vào Việt Nam.