Hợp nhất doanh thu IDI, tất toán Du lịch An Giang mang về lãi khủng quý 2
CTCP Tập đoàn Sao Mai (ASM) đã có BCTC quý 2/2018 với kết quả thu về đột biến so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu thuần Công ty tăng 211% lên mức 2,017 tỷ đồng nhờ vào tăng doanh thu cá xuất khẩu. Đi cùng với đó, giá vốn hàng bán cũng đột biến 197%, kết quả lợi nhuận gộp của ASM tăng 300%, ở mức 367 tỷ đồng.
Doanh thu tăng mạnh theo giải trình từ ASM do hợp nhất doanh thu từ Công ty IDI.
Về hoạt động tài chính, doanh thu ghi nhận 187 tỷ đồng. Chi phí tài chính tăng mạnh thêm 85 tỷ đồng, chủ yếu do tăng lãi tiền vay và tăng lãi thanh toán, bán hàng trả chậm. Ngoài ra, Công ty còn phát sinh một khoản lợi nhuận khác hơn 46 tỷ do thanh lý đầu tư từ công ty thành viên là Du lịch An Giang.
Trừ hết cho tất cả chi phí, quý 2/2018 Công ty đạt 370 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng đáng kể so với mức 30 tỷ quý 2/2017.
Trên thực tế, đây là quý thứ 2 trong năm ASM ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc. Hồi quý 1/2018, ASM cũng thu về mức lãi ròng hơn 493 tỷ đồng, gấp gần 33 lần so với cùng kỳ năm 2017.
Như vậy, lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần Công ty đạt 2,717 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 857 tỷ đồng, lần lượt tăng gần 3 lần và 18 lần so với cùng kỳ năm 2017. So với con số kế hoạch 9,800 tỷ đồng doanh thu, và 890 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2018, đến nay Công ty lần lượt thực hiện được 28% và 95% chỉ tiêu.
Nợ vay tăng mạnh, khoản phải thu cũng đột biến
Đi cùng với đà tăng về doanh thu, khoản mục phải thu khách hàng của ASM cũng tăng mạnh. Trong đó, phải thu ngắn hạn khách hàng ở mức 1.459 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu năm 2018. Bên cạnh đó, ASM cũng trích lập gần 54 tỷ đồng dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi.
Giá trị hàng tồn kho cuối quý 2 của ASM cũng tăng lên hơn 1.600 tỷ với tồn kho hàng hóa chiếm hơn 1.000 tỷ, tồn kho thành phẩm tăng đột biến lên hơn 410 tỷ đồng.
Một điểm đáng chú ý khác, ASM cũng gia tăng sử dụng đòn bẩy tài chính khi dư nợ vay (ngắn hạn và dài hạn) tăng hơn 3 lần lên mức 4.271 tỷ đồng, trong khi hồi đầu năm chỉ 1.329 tỷ đồng. Vốn chủ sỡ hữu hiện tại của ASM là 2.419 tỷ đồng.
Trên sàn, giá cổ phiếu ASM đang giao dịch ở mức 13.900 đồng/cp, tăng hơn 30% so với hồi đầu năm. Khối lượng giao dịch bình quân đạt khá cao, xấp xỉ 4 triệu cổ phiếu/phiên.
Biến động cổ phiếu ASM 1 năm qua.
Về ASM (tên gọi khác của công ty cổ phần Đầu tư & Xây dựng Sao Mai tỉnh An Giang) là công ty liên doanh Kiến trúc tỉnh An Giang được thành lập năm 1988. Đến năm 1997, theo xu hướng mở cửa hội nhập của nền kinh tế lúc bấy giờ, các cán bộ chủ chốt đã tách ra thành lập CTCP Xây dựng Sao Mai tỉnh An Giang. Đây là doanh nghiệp ngoài quốc doanh có chi bộ Đảng đầu tiên của Tỉnh. Ban đầu, nhân sự của Sao Mai dưới 50 người.
Vốn điều lệ 905 triệu đồng sau đó tăng lên vài tỷ đồng, hoạt động chủ yếu là thi công xây lắp công trình tại các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ rồi phát triển mở rộng lên Tây Nguyên. Lên sàn năm 2009, ASM đã có một đợt tăng vốn thần tốc, chỉ vài năm đã tăng vài chục lần lên mức vốn hiện nay.