Thứ nhất đó là mục tiêu rõ ràng. Theo ông, việc quan trọng nhất là phải xác định rõ ràng các mục tiêu của việc thiết lập một đặc khu. Thông thường, các đặc khu được tạo ra thường nhằm để tạo ra việc làm, thúc đẩy xuất khẩu, phát triển ngành đặc thù, chuyển giao công nghệ.
Ông Teo Eng Cheong cho rằng rất khó tạo ra được một đặc khu có thể đáp ứng được tất cả các mục tiêu trên. Vì vậy, phải xác định được đâu là nhân tố quan trọng nhất với đặc khu. Như thế, các chiến lược phát triển sẽ được xác định rõ ràng hơn.
Ví dụ, đối với các nước đang phát triển, việc tạo công ăn việc làm cho số đông người dân là rất quan trọng. Theo đó, chiến lược phát triển được đặt ra là thu hút lao động cho các hoạt động sản xuất chuyên sâu, hoặc phát triển lĩnh vực dịch vụ tương đương với trình độ học vấn của người dân.
Dù vậy, vị này cho rằng rất thường xuyên, các cơ quan chính phủ bị hấp dẫn bởi những mục đích khác khiến tính nhất quán mất đi, dẫn đến đặc khu không những không hoàn thành mục tiêu mà còn không thành công.
Thứ hai là đổi mới chính sách táo bạo. Theo vị giám đốc này, một thất bại chung của rất nhiều đặc khu là do trì hoãn đổi mới các chính sách cần thiết vì sợ viêc tự do hóa diễn ra quá nhanh và mất kiểm soát.
"Điều này là không tốt vì ý tưởng thiết lập một khu vực như một đặc khu chính xác là cho phép thử nghiệm và tự do hóa các chính sách mà không làm ảnh hưởng đến phần còn lại của đất nước", ông cho biết.
Các chính sách đổi mới đơn cử như thuế. Ví dụ trong nhiều năm qua, các khu công nghiệp ở Trung Quốc đã sử dụng rất hiệu quả chính sách thuế "Miễn 2 năm đầu, giảm một nửa trong 3 năm tiếp theo". Bên cạnh Thuế thu nhập doanh nghiệp, các loại thuế khác như Thuế Hàng hóa và Dịch vụ, Thuế Thu nhập cá nhân cũng có thể là các công cụ để tự do hóa trong nội bộ đặc khu.
Hoặc quy chế hải quan như công viên Logistics sân bay của Singapore (ALPS) được xem là ví dụ điển hình về việc các quy định hải quan có thể được tự do hoá như thế nào để kích thích sự phát triển của ngành logistics hàng không.
Thứ ba là phải có địa điểm tốt. Theo ông Teo Eng Cheong , nếu một đặc khu có mục tiêu phục vụ xuất khẩu thì việc nằm gần cảng biển và sân bay là rất quan trọng. Nếu đặc khu với mục tiêu phát triển lĩnh vực chế tạo, thì việc nằm gần nguồn nhân lực có trình độ sẽ quyết định đến sự thành công của nó.
Thứ tư là các thiết kế mang tính đặc thù. Theo đó, công tác lập quy hoạch và thiết kế đặc khu cần phải được thực hiện một cách cẩn thận.
"Bước này thường hay bị bỏ qua hoặc thực hiện một cách sơ sài, dẫn đến những hậu quả nguy hại cho sự phát triển của đặc khu sau này", ông Teo Eng Cheong cho hay.
Trước hết, việc lập quy hoạch tổng thể cần phải xem xét đến hiện trạng và các nhu cầu trong tương lai về cơ sở hạ tầng cốt lõi của đặc khu và các vùng lân cận.
Tiếp theo, công tác quy hoạch tổng thể cần phải phục vụ cho các nhà đầu tư mục tiêu. Đơn cử, một khu công nghiệp xe hơi cần phải có diện tích lớn, trong khi khu logistics sẽ cần các nhà kho lớn và một đặc khu chuyên về sản xuất điện tử sẽ cần các nhà máy cỡ nhỏ.
Bên cạnh đó, đối với một số đặc khu, việc tiếp cận các tiện ích chi phí thấp là một vấn đề quan trọng và cần phải được thiết kế ở bước quy hoạch tổng thể.
Ví dụ, ở Singapore, Khu phức hợp hóa dầu Đảo Jurong có các tiện tích chung như nước và khí đốt được cung cấp một cách tập trung cho các nhà đầu tư khác nhau nằm trong khu. Hay khu One-North Innovation District của Singapore phục vụ cho ngành y-sinh học và các ngành công nghiệp công nghệ cao. Và nó được thiết kế để tạo ra một bầu không khí sôi động để kích thích sự sáng tạo và trí tưởng tượng.
Sau đó, công tác quy hoạch tổng thể và thiết kế nhà máy cần phải lưu ý đến các vấn đề mà Chính phủ quan tâm.
Cuối cùng, công tác quy hoạch tổng thể cần phải được tích hợp tốt với các khu vực lân cận và bù đắp cho sự thiếu hụt về tiện ích như nhà ở, trường học, cơ sở y tế.
Thứ năm là vấn đề quản lý. Bởi lẽ đặc khu sẽ tồn tại hàng thập kỷ nên công tác quản lý đặc khu mang tính dài hạn. Đội ngũ quản lý cần phải giữ vững tầm nhìn của đặc khu, tuân thủ theo quy hoạch tổng thể…
Hiện ngày càng nhiều đặc khu được quản lý theo cơ chế PPP (hợp tác công tư), do đó đặc khu có thể được quản lý bởi công ty tư nhân.
Cơ chế giữa ban quản lý đặc khu và Chính phủ cũng là một vấn đề quan trọng. Đặc khu thường kỳ vọng có quyền tự chủ ở mức độ cao. Điều đó giải phóng đặc khu khỏi các ràng buộc đối với các cơ quan nhà nước có trách nhiệm pháp lý đối với lĩnh vực đó nhưng lại không nhất thiết phải có nghĩa vụ hỗ trợ cho đặc khu.
Cuối cùng, ông Teo Eng Cheong cho rằng kinh nghiệm và mạng lưới quan hệ quốc tế của ban quản lý đặc khu sẽ là chìa khóa để quyết định sự thành công của nơi này. Đội ngũ quản lý có kinh nghiệm xử lý các vấn đề của đặc khu và làm việc với số lượng lớn các nhà đầu tư tiềm năng sẽ thúc đẩy đặc khu trở thành một đối tác đầy giá trị.