Cụ thể, tháng 10/2021, CTCP Cơ khí Rạng Đông đã đề xuất đầu tư dự án nhà máy tại Khu công nghiệp Nam Rạng Đông (trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định).
Nhà máy cơ khí Rạng Đông có công suất sản xuất thiết bị điện gió đạt 1.000 MW/năm, mỗi cột có tua bin công suất từ 5 – 20 MW/cột - loại lắp đặt ngoài biển. Mục tiêu sản xuất đạt tỷ lệ nội địa hóa của mỗi dự án điện gió lên đến 70%. Bên cạnh đó, Nhà máy cơ khí Rạng Đông cũng sẽ sản xuất thiết bị cơ khí công nghiệp nặng khác.
Theo đại diện công ty Cơ khí Rạng Đông: "Dự án có tổng mức đầu tư lên tới 3.000 tỷ đồng và sẽ được khởi công xây dựng vào tháng 5/2022, hoàn thành trong năm 2024".
Cũng trong tháng 11, UBND tỉnh Nam Định đã đồng ý chủ trương cho CTCP Cơ khí Rạng Đông nghiên cứu, khảo sát điện gió ngoài khơi biển Giao Thuỷ, Hải Hậu và Nghĩa Hưng.
Theo đó, diện tích khảo sát khoảng 12.500 km2. Cụ thể, ranh giới phía Bắc giáp vùng biển tỉnh Thái Bình, phía Nam giáp vùng biển tỉnh Ninh Bình, phía Tây là đường triều kiệt các huyện Giao Thủy, Hải Hậu và Nghĩa Hưng, phía Đông trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Trước đó không lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình ký về việc nghiên cứu bổ sung quy hoạch điện gió ngoài khơi tỉnh Thái Bình. Theo đó, UBND tỉnh này đã đồng ý cho phép Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình được nghiên cứu, khảo sát điện gió ngoài khơi của tỉnh, làm cơ sở lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án điện gió sau khi quy hoạch phát triển điện quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Văn bản số 5092 đã nêu rõ: Tổng diện tích dự kiến khảo sát lên tới 3.162k m2, có ranh giới cụ thể phía Bắc giáp vùng biển thuộc Hải Phòng, phía Nam giáp vùng biển tỉnh Nam Định, phía Đông nằm trong vùng đặc quyền kinh tế biển Việt Nam và phía Tây giáp với Khu kinh tế Thái Bình.
Được biết, Tập đoàn Xuân Thiện đã đầu tư thành công gần 2.000 MW điện năng lượng tái tạo trên cả nước.