Phân tích về tình hình kinh tế của đất nước quý I, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nêu rõ kinh tế tăng trưởng thấp do ảnh hưởng dịch COVID- 19 nhưng vẫn cao so với nhiều nền kinh tế khác. Tuy nhiên, nếu quý II vẫn tăng trưởng thấp sẽ là rất khó khăn, nhất là các ngành lớn như công nghiệp, chế tạo, chế biến, bán buôn, bán lẻ, xây dựng, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm… tăng trưởng có thể giảm.
Do đó, vấn đề lớn nhất hiện nay vẫn là tập trung đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cùng với việc giảm lãi suất, khuyến khích tiêu dùng, kích cầu nội địa..., nhất là khi đại dịch COVID-19 qua đi, nền kinh tế sẽ có sức bật trở lại sau thời gian bị dồn nén.
Đồng thời, lúc này chúng ta cũng nhìn thấy mặt thuận lợi, tích cực để có giải pháp phấn đấu như giá xăng dầu giảm thấp kỷ lục, giá thịt lợn và một số mặt hàng khác đang giảm dần. Đây sẽ là yếu tố để CPI tăng chậm lại. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn còn dư địa lớn về chính sách tài khoá, tiền tệ nên cần khai thác hiệu quả tối đa.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, để nền kinh tế chống chịu có hiệu quả, vượt qua dịch bệnh, chúng ta phải tập trung giải ngân vốn đầu tư công cho hiệu quả với các giải pháp đặc biệt như cải cách hành chính, không để thủ tục hành chính là "điểm nghẽn" trong đầu tư.
Bộ KH&ĐT, Bộ Tư pháp tiến hành rà soát lại những rào cản hiện nay trong giải ngân vốn đầu tư công để đề xuất biện pháp tháo gỡ kịp thời, chỉ ra cho được văn bản pháp luật nào chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập, không phù hợp để báo cáo sửa đổi, bổ sung ngay, kể cả việc kiến nghị Quốc hội sửa đổi luật và pháp lệnh, Chính phủ sửa đổi nghị quyết, nghị định, các bộ ngành sửa đổi thông tư… Đây là những việc cần làm ngay, không thể chần chừ, chậm trễ hoặc làm theo định kỳ.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng về rà soát văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm Tổ trưởng để thực thi nhiệm vụ này. Phó Thủ tướng Thường trực đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Tổ công tác để phân công nhiệm vụ, giao trách nhiệm cho từng bộ, ngành, thành viên Tổ công tác với tinh thần làm việc là không ngại "va chạm", không né tránh, không chờ đợi, chủ động đề xuất và kiến nghị với cấp có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung hoặc huỷ bỏ văn bản chồng chéo, mâu thuẫn, không phù hợp ngay khi phát hiện.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình bày tỏ hoàn toàn nhất trí với gói hỗ trợ an sinh xã hội và nhanh chóng thực hiện với gói hỗ trợ doanh nghiệp để vượt qua khó khăn này.
Bên cạnh việc chống trục lợi chính sách cũng cần có giải pháp hỗ trợ về lãi suất, không để xuất hiện nợ xấu...