SoftBank vừa công bố tập đoàn đã lỗ ròng 1.430 tỷ yên (tương đương 13,3 tỷ USD) trong quý I/2020, sau khi những khoản đầu tư lớn đặt cược vào mảng bất động sản và đi chung xe bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Riêng khoản đầu tư vào Vision Fund, quỹ đầu tư trị giá 100 tỷ USD và có cả sự góp vốn của các nhà đầu tư bên ngoài, lỗ tới 1.100 tỷ yên.
Tập đoàn công nghệ lớn nhất Nhật Bản cũng thông báo lỗ 537 tỷ yên ở 1 quỹ đầu tư khác có rót vốn vào nền tảng chia sẻ không gian làm việc WeWork.
Đại dịch đã gây thêm rất nhiều áp lực cho SoftBank và ông chủ Masayoshi Son. Những khoản đầu tư vào mảng bất động sản của quỹ Vision, bao gồm OpenDoor của Mỹ cùng với Compass và WeWork, cộng thêm mảng vận tải và logistics (gồm Uber, Didi Chuxing và Grab) đều bị thiệt hại nặng.
Theo tài liệu mà SoftBank nộp lên cơ quan quản lý, giá trị của 2 mảng này giảm lần lượt 3,3 và 2,8 tỷ USD so với thời điểm tháng 12 năm ngoái. Đến thời điểm cuối tháng 3, mức định giá của WeWork chỉ còn 7,3 tỷ USD, so với mức đỉnh 47 tỷ USD trước khi IPO thất bại. SoftBank cho rằng giá trị của WeWork giảm mạnh như vậy là do sử dụng công thức định giá khác và dịch bệnh khiến các trái phiếu không được đảm bảo của WeWork bị chiết khẩu cao hơn.
SoftBank cũng đang phải đối mặt với cuộc chiến pháp lý với các giám đốc của WeWork sau khi tập đoàn tuyên bố sẽ không thực hiện nhiều điều khoản trong gói cứu trợ đã được đề xuất.
Trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3 vừa qua, SoftBank ghi nhận mức lỗ ròng hàng năm lớn nhất kể từ khi bắt đầu trở thành công ty đại chúng. Khoản lỗ lên đến 961 tỷ yên, cao hơn mức 900 tỷ yên được đưa ra trước đó.
Trên cương vị là Chủ tịch và cũng là nhà sáng lập SoftBank, Son cam kết sẽ cải thiện tình hình bảng cân đối kế toán bằng cách bán bớt tài sản và mua lại cổ phiếu quỹ để cố gắng lấy lại niềm tin của nhà đầu tư.
Trước đó SoftBank thông báo sự thay đổi trong hội đồng quản trị, Jack Ma, nhà sáng lập tập đoàn Alibaba, sẽ rời khỏi hội đồng quản trị SoftBank sau 13 năm gắn bó. SoftBank bổ nhiệm 3 giám đốc mới, trong đó có 2 người độc lập trong bối cảnh 1 nhà đầu tư chủ động của công ty kêu gọi tăng chi trả cổ tức và tăng tính minh bạch trong công tác quản trị doanh nghiệp.
Các nhà đầu tư của SoftBank đang chờ đợi sự bất ổn mà đại dịch mang lại sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với khả năng bán tài sản cũng như triển khai các vụ IPO của quỹ Vision. Hàng năm quỹ này chi trả 1 khoản cố định 7% cho các nhà đầu tư bên ngoài, đồng nghĩa tăng thêm áp lực buộc SoftBank phải tạo ra dòng tiền để có thể thoái vốn thành công khỏi các thương vụ đầu tư.