Hồ sơ Pandora do Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố là vụ rò rỉ gần 12 triệu hồ sơ tiết lộ về các tài sản bí mật, trốn thuế và rửa tiền của giới giàu có và quyền lực trên thế giới.
Tại sao Hồ sơ Pandora là vụ điều tra lớn nhất toàn cầu từ trước tới nay?
Hồ sơ Pandora có sự tham gia của hơn 600 nhà báo tại hơn 140 tổ chức truyền thông ở 117 quốc gia trên thế giới. Họ đã dò tìm và điều tra 11,9 triệu hồ sơ của 14 công ty dịch vụ tài chính trên thế giới trong nhiều tháng liền.
Vụ rò rỉ Hồ sơ Pandora bao gồm 6,4 triệu tài liệu, gần 3 triệu hình ảnh, hơn 1 triệu email và gần nửa triệu bảng tính.
Với 2,94 Terabyte (1 TB =1.000 GB) và 11,9 triệu hồ sơ, Hồ sơ Pandora là hồ sơ mới nhất và lớn nhất trong các vụ mà ICIJ đã điều tra như Vụ rò rỉ Offshore Leak năm 2012 với 260 GB và 2,5 triệu hồ sơ; Hồ sơ Panama năm 2016 với 2,6 TB và 11,5 triệu hồ sơ; Hồ sơ Paradise năm 2017 với 1,4 TB và 13,4 triệu hồ sơ.
330 chính trị gia và 130 tỷ phú cùng nhiều người nổi tiếng có mặt trong Hồ sơ gây chấn động Pandora (Ảnh: ICIJ). |
Hồ sơ Pandora tiết lộ điều gì?
Những câu chuyện được tiết lộ gây chấn động gồm:
- Vua Jordan chi 70 triệu bảng Anh vào các bất động sản ở Anh và Mỹ thông qua các công ty thuộc sở hữu bí mật.
- Gia đình hàng đầu của Azerbaijan có sự tham gia ẩn giấu trong các giao dịch bất động sản ở Vương quốc Anh trị giá hơn 400 triệu bảng Anh.
- Thủ tướng Séc không tuyên bố một công ty đầu tư ra nước ngoài từng mua hai biệt thự ở Pháp với giá 12 triệu bảng Anh.
- Gia đình của tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta đã bí mật sở hữu một mạng lưới các công ty nước ngoài trong nhiều thập kỷ như thế nào
Hồ sơ cũng cho thấy mối liên hệ của gần 1.000 công ty ở các thiên đường thuế nước ngoài với hơn 330 chính trị gia của 90 quốc gia trên thế giới. Trong đó, hồ sơ đã tiết lộ cách thức một số chính trị gia quyền lực nhất đã sử dụng các công ty bí mật ở nước ngoài để che giấu tài sản ra sao.
Hồ sơ Pandora còn tiết lộ mạng lưới phức tạp của các công ty xuyên biên giới, tiết lộ chủ sở hữu thực sự của hơn 29.000 công ty vỏ bọc.
Offshore có nghĩa là gì?
Các quốc gia và vùng lãnh thổ "offshore" là nơi dễ dàng để thành lập công ty, có những quy định gây khó khăn cho việc xác định chủ sở hữu của công ty và không có hoặc có mức thuế doanh nghiệp thấp.
Những nơi này thường được gọi là "thiên đường thuế" hoặc khu vực pháp lý bí mật. Đến nay vẫn chưa có danh sách chính xác về các thiên đường thuế nhưng các thiên đường thuế nổi tiếng nhất gồm quần đảo Cayman, quần đảo Virgin thuộc Anh hay các quốc gia như Singapore, Thụy Sĩ.
Sử dụng các thiên đường thuế có bất hợp pháp?
Những kẽ hở của pháp luật cho phép mọi người tránh nộp một số khoản thuế một cách hợp pháp bằng cách chuyển tiền hoặc thành lập công ty ở các thiên đường thuế. Nhưng điều đó thường được coi là phi đạo đức.
Ngoài ra, có một số lý do như để bảo vệ tài sản khỏi các cuộc tấn công của tội phạm hay bất ổn chính trị.
Mặc dù việc cất giấu tài sản ở nước ngoài là không phạm pháp, song sử dụng mạng lưới phức tạp gồm các công ty bí mật để chuyển tiền và tài sản được coi là một cách để che giấu tiền phạm tội.
Những người này đã thành lập một công ty vỏ bọc ở một trong những quốc gia hay khu vực pháp có mức độ bí mật cao. Đây là một công ty chỉ tồn tại trên danh nghĩa, không có nhân viên hay văn phòng. Chỉ cần bỏ ra một khoản tiền, các công ty dịch vụ tài chính chuyên nghiệp ở các thiên đường thuế sẽ đứng ra thành lập và quản lý giúp các công ty vỏ bọc. Thậm chí, các công ty này còn có thể cung cấp địa chỉ, tên giám đốc và mức lương được trả, do đó không thể biết được ai là người đứng sau các công ty vỏ bọc này.
14 nhà cung cấp dịch vụ tài chính trong Hồ sơ Pandora hoạt động ở các quốc gia như Belize, British Virgin Islands, Singapore, Cyprus, Thụy Sĩ hay South Dakota, Delaware và các bang khác của Mỹ.
Bao nhiêu tiền được ẩn giấu ở các thiên đường thuế?
Theo ước tính của ICIJ, có khoảng từ 5.600 tỷ USD đến 32.000 tỷ USD được ẩn giấu ở các thiên đường thuế.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết việc sử dụng các thiên đường thuế khiến các chính phủ trên toàn thế giới phải trả tới 600 tỷ USD tiền thuế bị mất mỗi năm.
Hồ sơ Pandora khác với Hồ sơ Panama như thế nào?
Hồ sơ Panama, một cuộc điều tra đoạt giải Pulitzer năm 2016, dựa trên các tài liệu của một nhà cung cấp dịch vụ tài chính nước ngoài ở Panama. Hồ sơ đã vạch trần cơ sở hạ tầng ẩn giấu của các thiên đường thuế ở nước ngoài.
Còn Hồ sơ Pandora dựa trên một kho thông tin lớn hơn bao gồm 12 triệu hồ sơ từ 14 nhà cung cấp nước ngoài, làm sáng tỏ phạm vi của hệ thống tài chính này trên quy mô lớn hơn và cung cấp những hiểu biết mới về cách thức hoạt động của nó. Hồ sơ Pandora tiết lộ số lượng chủ tài khoản và nhân vật chính trị nhiều hơn gấp đôi so với Hồ sơ Panama.
(Theo BBC/ Washington Post/ Dân Trí)