Theo thông tin từ Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường, một số lượng lớn tàu bay của các Hãng hàng không Việt Nam phải dừng khai thác, tạm thời "nằm sân". Tính đến ngày 21/8, có tới 83 tàu bay đang bảo quản, bảo dưỡng dừng bay.
Lý giải nguyên nhân khiến số lượng tàu bay phải "nằm sân" tăng trở lại, ông Cường cho biết, trong giai đoạn cao điểm hè đợt tháng 6-7 hầu hết các hãng hàng không đã khai thác trở lại phần lớn số tàu bay.
Tuy nhiên, sau khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại Đà Nẵng từ cuối tháng 7 khiến các đường bay nội địa phải cắt giảm tần suất và việc các đường bay quốc tế vẫn chưa được khai thác trở lại, nhiều tàu bay đã phải tạm dừng khai thác.
Xác định lượng tàu bay này sẽ phải "nằm sân" trong thời gian dài, ít nhất là trong 1-2 tháng tới, Cục Hàng không đã yêu cầu các hãng trang bị chụp bảo vệ động cơ cho tàu bay, có nguy cơ bị động vật, vật ngoại lại xâm nhập động cơ và các bộ phận khác của tàu.
Hiện tại, các hãng hàng không đã tiến hành trang bị chụp bảo vệ động cơ máy bay của những chiếc máy bay tạm thời không được đưa vào sử dụng. Ngoài số máy bay "nằm chờ" lên tới gần 100 chiếc, những tàu bay đang khai thác nhưng thời gian dừng tàu từ 3 ngày trở lên cũng được Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu phải bọc bảo quản động cơ.
Đối với những chiếc máy bay không được hãng trang bị chụp động cơ sẽ sử dụng tấm nhựa nylon – plastic hóa chất hút ẩm và băng keo chuyên dụng để bao bọc và bảo quản động cơ. Quy trình bao bọc này sẽ được thực hiện theo hướng dẫn kỹ thuật và quy trình bảo dưỡng tương đương (Alternate Procedure) từ nhà sản xuất máy bay.
Các tàu bay đang trong kế hoạch khai thác, không thuộc dạng bảo dưỡng dừng bay nhưng thời gian dừng tàu trên 8h cũng yêu cầu được bọc bảo vệ các đầu cảm biến động, tĩnh áp, cảm biến nhiệt độ, cảm biến góc tần để sẵn sàng đưa trở lại khai thác bất cứ lúc nào.
Chia sẻ với hãng hàng không về việc phải mất thêm rất nhiều cho chi phí cho công tác này, nhất là khi đã và đang phải đối mặt với vô cùng khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Cục Phó Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường nhấn mạnh rằng, dù khó khăn, chi phí thêm nhưng không vì thế mà bỏ qua các yêu cầu liên quan an ninh, an toàn.
"An ninh, an toàn phải là mục tiêu tối thượng, tuyệt đối không thể nhân nhượng, lơ là. Có như vậy mới có thể tạo niềm tin cho khách đi lại bằng đường hàng không, góp phần khẳng định vị trí của Việt Nam, luôn là điểm đến an toàn", ông Cường nói.
Hàng không đề nghị gói tín dụng 25.000 - 27.000 tỷ đồng
Trước những khó khăn của các hãng hàng không, mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kiến nghị nhiều biện pháp hỗ trợ ngành hàng không trong đó có việc mở lại đường bay quốc tế với những nước đã kiểm soát được dịch Covid-19 nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không nội địa.
Hiệp hội đề nghị Thủ tướng tạo điều kiện cho các hãng hàng không được vay gói tín dụng 25.000 - 27.000 tỷ đồng do Chính phủ hỗ trợ lãi suất trong thời hạn 3 - 4 năm.
Hiệp hội cũng đề nghị cho phép kéo dài miễn giảm phí dịch vụ hàng không đến hết năm 2021 cũng như mong muốn Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) giảm 50% các loại phí dịch vụ hàng không thuộc thẩm quyền của ACV.
Văn bản cũng đề nghị Thủ tướng báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép giảm 50-70% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết 2021 cũng như xem xét, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành trong 6 tháng việc nâng cấp sửa chữa đường băng, đường lăn sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Đáng lưu ý, tổ chức này cũng đề nghị Thủ tướng cho phép mở đường bay trở lại đối với những nước đã kiểm soát được dịch Covid-19, nghiên cứu để ban hành những chuẩn mực về quy trình đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 và kiểm soát lây nhiễm trong vận tải hàng không.