Theo Washington Post, số lượng hành khách đi phương tiện công cộng đã giảm ở 31/35 khu vực đô thị lớn ở Mỹ vào năm 2017, bao gồm cả 7 thành phố có số lượng người dùng phương tiện công cộng lớn.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng các yếu tố như chi phí nhiên liệu thấp hơn, xu hướng tăng cường làm việc từ xa, tỷ lệ sở hữu ô tô cao hơn và sự gia tăng của các lựa chọn thay thế như Uber và Lyft cũng khiến người dân rời bỏ tàu điện và xe buýt ở mức kỷ lục.
Phương tiện công cộng ở Mỹ
Dữ liệu cũng cho thấy năm 2017 là năm thấp nhất về lượng hành khách đi phương tiện công cộng nói chung kể từ năm 2005, và chỉ riêng lượng khách đi xe buýt đã giảm 5%.
Hệ thống tàu điện ngầm cho biết khoảng 30% số hành khách giảm bớt liên quan đến các vấn đề về độ tin cậy, làm việc từ xa, lực lượng lao động liên bang đang bị thu hẹp bên cạnh các yếu tố khác. Theo phân tích của TransitCenter, các cơ quan vận hành phương tiện công cộng ở khu vực Los Angeles đã chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng kể từ giữa những năm 2000, với lượng hành khách đi xe buýt tổng thể giảm khoảng 30% trong suốt 10 năm.
Michael Manville, phó giáo sư về quy hoạch đô thị tại Đại học California ở Los Angeles, đồng tác giả của một nghiên cứu vào tháng 1/2018 cho biết lí do lớn nằm ở chỗ sở hữu ô tô trong người dân tăng lên, đặc biệt là ở nhóm người có thu nhập thấp và dân nhập cư, những người đang có nhiều lợi thế hơn để mua ô tô sau cuộc Đại suy thoái.
Việc này đã khiến các nhà quy hoạch giao thông gặp phải một vấn đề nan giải: nếu người có thu nhập thấp có thể tự mua xe để đi, thì liệu chính quyền có nên yêu cầu họ ngừng đi ô tô và quay trở lại các tuyến tàu điện và xe buýt hay không.
"Hệ thống giao thông được thiết kế để mang lại dịch vụ chất lượng cho những người có thu nhập thấp. Nhưng những người có thu nhập thấp hiện tại không còn cần nó nữa," một quan chức nói.
Theo thống kê, tới năm 2019, Mỹ có tới 268 triệu xe ô tô trong khi dân số nước này chỉ có 331 triệu dân. Điều này đồng nghĩa với việc tỉ lệ dân cư sở hữu ô tô của Mỹ ở nhóm top đầu thế giới.
Tình trạng vệ sinh xuống cấp
Tình trạng vệ sinh cũng là một vấn nạn đối với các phương tiện công cộng. Các báo cáo về tình trạng mất vệ sinh trong tàu điện ngầm, bao gồm tất cả mọi thứ, từ phân, máu đến rác thải, đang khiến người dân không còn thiết tha gì với phương tiện công cộng.
Kể từ khi đại dịch Covid bắt đầu xuất hiện, Cơ quan Quản lý Đô thị (MTA) ở thành phố đã thuê thêm nhân viên dọn vệ sinh, nhưng tới nay gần 200 vị trí vẫn chưa được lấp đầy.
Người phát ngôn của MTA, Michael Cortez cho biết: “Tình trạng mất vệ sinh là một thách thức đối với những người dọn vệ sinh chuyên nghiệp của chúng tôi. Họ làm việc chăm chỉ hàng ngày để đảm bảo các chuyến tàu và nhà ga luôn sạch sẽ cho các hành khách. Chúng tôi tiếp tục duy trì việc dọn dẹp. Bắt đầu từ khi đại dịch bùng phát, chúng tôi cử người giám sát các vị trí ga cuối để xác định mức độ bẩn của các tàu để điều chỉnh nhân viên theo nhu cầu".
Travelmath, một trang web hậu cần du lịch, đã cử một nhóm thu thập các mẫu vi khuẩn từ tay vịn trên hệ thống giao thông công cộng ở 5 thành phố lớn: Thành phố New York, Washington, D.C., Chicago, Boston và San Francisco. Theo báo cáo nghiên cứu, Travelmath cho biết tay vịn tàu ở New York bẩn hơn 900 lần so với bàn khay máy bay, hay nói cách khác chạm tay vào tay vịn cũng bẩn như bắt tay 10.000 người.