Với hành vi cản trở, chống đối cơ quan có thẩm quyền, tẩu tán tài sản… thì tùy tính chất, mức độ người đó sẽ bị giáng chức, cách chức.
Thanh tra Chính phủ (TTCP) đang lấy ý kiến xây dựng dự thảo nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập. Theo đó, rất nhiều quy định mới nhằm góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN).
Ai phải kê khai?
Theo đó, từ năm 1998 đến nay, Việt Nam đã thực hiện biện pháp kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức để PCTN. Tuy nhiên, qua quá trình tổng kết, đánh giá, việc kê khai của người có chức vụ, quyền hạn còn mang nặng tính hình thức, việc phát hiện ra các dấu hiệu bất thường của người kê khai còn hạn chế.
Luật PCTN 2018 đã có nhiều quy định mới và dự thảo nghị định lần này được xây dựng nhằm cụ thể hóa các quy định của luật.
Trong dự thảo, TTCP đưa ra 10 đầu mục về tài sản, thu nhập phải kê khai. Điển hình là quyền sử dụng đất; quyền sở hữu, sử dụng đối với nhà ở, công trình xây dựng; tài sản gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng; tài sản ở nước ngoài; tổng thu nhập giữa hai lần kê khai.
Ngoài ra, mỗi loại tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên cũng phải kê khai gồm: tiền, cổ phiếu, trái phiếu, ô tô, xe máy, đồ mỹ nghệ, đồ thờ cúng, vàng, bạc, kim cương…
TTCP nêu rõ 13 ngạch công chức phải kê khai tài sản, thu nhập hằng năm (điều tra viên, kiểm sát viên, kiểm tra viên của Đảng, thẩm phán…).
Dự thảo cũng đưa ra gần 90 vị trí là những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên có phụ cấp chức vụ từ 0,4 trở lên phải kê khai tài sản hằng năm.
Theo dự thảo nghị định, công chức có mỗi tài sản từ trên 50 triệu phải kê khai. Ảnh: HTD |
Kê khai lần đầu và hằng năm
Trước đây, những trường hợp phải kê khai tài sản, thu nhập hằng năm gồm một số cán bộ cấp xã và cán bộ từ phó phòng của UBND cấp huyện trở lên. Nay dự thảo sửa đổi theo hướng phân biệt hai nhóm kê khai lần đầu và kê khai hằng năm.
Theo đó, tất cả cán bộ, công chức, sĩ quan quân đội, công an và người giữ chức vụ từ phó phòng trở lên tại các đơn vị sự nghiệp công lập đều phải kê khai tài sản, thu nhập. Đây là nhóm kê khai lần đầu.
Với quy định này, diện phải kê khai hằng năm thu hẹp hơn, gồm người giữ chức vụ từ giám đốc sở trở lên, người làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc với người dân.
Đặc biệt, TTCP sẽ trực tiếp tiếp nhận bản kê khai của những người có phụ cấp chức vụ lãnh đạo từ 0,9 trở lên, chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc, thành viên hội đồng thành viên… doanh nghiệp nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu.
Cảnh cáo, miễn nhiệm người kê khai không trung thực
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức bằng hình thức niêm yết tại trụ sở cơ quan. Thời gian niêm yết là 30 ngày.
Theo quy định hiện hành, các bản kê khai được quy định công bố qua hai hình thức là niêm yết tại cơ quan và thông qua các cuộc họp. Việc công khai qua các cuộc họp được đánh giá còn mang nặng tính hình thức.
Do đó, lần này dự thảo quy định chỉ còn một hình thức là công khai ở trụ sở, niêm yết tại các vị trí thuận tiện để cán bộ, công chức, người lao động tiện theo dõi, quan sát. Khi công khai phải lập biên bản, ghi ngày tháng và lưu trữ để các cơ quan thanh tra đối chiếu, xử lý khi cần.
Trường hợp các cơ quan không công khai sẽ gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Nếu người đứng đầu cơ quan, đơn vị không tổ chức việc kê khai, công khai các bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định thì sẽ bị kỷ luật.
Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập không trung thực thì tùy tính chất, mức độ mà bị xử lý cảnh cáo hoặc miễn nhiệm. Với hành vi cản trở, chống đối cơ quan có thẩm quyền, tẩu tán tài sản… thì tùy tính chất, mức độ người đó sẽ bị giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc, tước quân hàm, tước danh hiệu quân nhân/công an nhân dân…
Kiểm soát chặt qua cơ sở dữ liệu quốc gia Đáng chú ý, dự thảo cũng đề cập tới việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản. Đây sẽ là cơ sở rất quan trọng giúp các cơ quan nhà nước kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức một cách có hiệu quả. Theo đó, cơ sở này bao gồm toàn bộ thông tin về bản kê khai, kết luận xác minh tài sản, thu nhập và các dữ liệu khác có liên quan đến việc kiểm soát tài sản, thu nhập của các cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập. Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản sẽ được quản lý tại Cục PCTN, TTCP. |
(Theo Pháp luật TP.HCM)