Nhà tôi chỉ cách sân bay khoảng vài km nhưng chờ cả giờ cũng không đón được xe về. Taxi truyền thống hoặc xe công nghệ ngày thường giá chưa tới 80.000 đồng nhưng giờ xe hợp đồng "hét" giá lên tối thiểu 200.000 - 250.000 đồng và điều lạ lùng là "xe chê khách", nếu không thì chờ cả giờ không có xe về!
Chưa kể, việc xe công nghệ "bị đẩy" lên tầng 3, 4, 5 nhà xe TCP cũng chẳng khác nào đẩy khó cho hành khách, nhiều người đi/đến sân bay lần đầu không biết đón xe công nghệ ở đâu, ra vào thế nào? Thang máy thường xuyên kẹt cứng, tranh giành, chen lấn, xô đẩy... Để vô được thang máy trong bối cảnh dịch bệnh, vô cùng bát nháo và nguy hiểm.
Tài xế taxi chèo kéo, thương lượng giá cả với khách tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Ý LINH
Cũng chính vì có những phương tiện mua "slot" - phí nhượng quyền khai thác phương tiện chở khách ở sân bay làm giá vậy nên những đối tượng xấu, "cò mồi", "xe dù" mới có cơ hội để kiếm tiền, đưa ra giá cao hơn hoặc rẻ hơn để có khách. Thậm chí là dọa nạt, bắt chẹt hành khách.
Ở các nước, nhiều thành phố lớn ở Thái Lan, Malaysia, Singapore hay ở Mỹ, sân bay của họ còn đông đúc và nhộn nhịp hơn rất nhiều so với TP HCM. Đông nhưng không lộn xộn! Sân bay nào cũng đều có chỗ cho hành khách lên xe đi ngay, xếp hàng trật tự, đối xử với tất cả hãng xe là như nhau. Xe ra vào sân bay, dừng đậu tính theo phút, cả taxi truyền thống, xe công nghệ hay xe nhà.
Sân bay đông hành khách nhưng nếu cách tổ chức tốt, quay vòng xe nhanh thì giải tỏa khách cũng nhanh chứ không có tình trạng khách chờ cả tiếng vẫn không có xe hoặc lên xe với giá chặt chém, trong ấm ức như ở Tân Sơn Nhất.
Nhìn ở góc độ kinh tế, sân bay Tân Sơn Nhất đón hàng chục triệu lượt khách mỗi năm, mỗi người mất từ 45 phút đến 1 giờ để đón xe, sẽ lãng phí bao nhiêu thời gian, tiền bạc; lãng phí bao nhiêu nguồn lực của người dân và nền kinh tế? Con số này chắc chắn cao hơn nhiều số tiền phí nhượng quyền mà sân bay thu được từ các hãng taxi, xe hợp đồng.
Quan trọng hơn là hình ảnh, uy tín, thương hiệu của sân bay. TP HCM là một trung tâm kinh tế, tài chính, du lịch... lớn của cả nước và định hướng phát triển thành đô thị lớn của khu vực, nhưng sân bay quốc tế - cửa ngõ ra vào lại "xấu xí", mất thiện cảm cho người dân. Thiệt hại này là không thể so sánh!
Vì vậy, đến lúc cần nhìn lại cách tổ chức, quản lý, cách sắp xếp cho các phương tiện công cộng ở sân bay Tân Sơn Nhất. Cần ưu tiên các phương tiện công cộng có thể giải tỏa khách nhanh nhất, thuận tiện nhất. Nếu làn B, C chỉ dành cho phương tiện cá nhân vào đón khách thì phải xem lại, bao nhiêu người dân TP HCM có ôtô cá nhân, bao nhiêu người có ôtô riêng đi máy bay?...
Cần phân bổ, sắp xếp hợp lý để cải thiện, lấy lại lòng tin của hành khách cả trong và ngoài nước, đặc biệt khi TP HCM chuẩn bị đón khách quốc tế trở lại và Việt Nam chính thức mở cửa hoàn toàn ngành hàng không, đón khách du lịch quốc tế.
Thái Phương ghi