Hàng không không phải lĩnh vực vận tải duy nhất chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Vận tải đường bộ cũng đang chịu áp lực lớn, đặc biệt sau chỉ thị "giãn cách xã hội" kéo dài 15 ngày của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, kể từ 0h ngày 1/4/2020, dừng hoạt động vận chuyển các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, nội tỉnh, các hoạt động vận tải của xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi, xe buýt tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa.
Các hãng taxi tại thủ đô vốn đã hoạt động ảm đạm từ đầu năm, nay phải dừng hẳn trong 2 tuần, xe nằm chật kín các bãi đỗ. Theo VTV, doanh số quý I của những doanh nghiệp taxi truyền thống trên địa bàn đã giảm tới 90%. Do đó, các chi phí cố định ước tính hàng chục tỷ đồng mỗi năm đang trở thành gánh nặng lớn.
"Hiện nay chúng tôi đang phải nộp cứng hơn 2 triệu đồng mỗi xe một năm, gọi là phí bảo trì đường bộ", ông Nguyễn Công Hùng – Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội trăn trở.
Trong khi đó, do chịu sự cạnh tranh gay gắt của taxi công nghệ như Grab, Be,... hoạt động kinh doanh của taxi truyền thống năm ngoái đã không mấy khả quan. Thậm chí, tháng 6/2019, một tên tuổi lớn là Savico cũng phải thông báo dừng cuộc chơi, rút khỏi thị trường này.
Do đó, ông Hùng đề xuất và mong Thủ tưởng xem xét, có hướng chỉ đạo tới Bộ Giao thông vận tải để miễn giảm khoản phí bảo trì đường bộ, giảm áp lực cho doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn và tất cả xe đều dừng hoạt động.