Giám đốc cho vay tiêu dùng Kleber Santos của Wells Fargo cho biết, khi Cục Dự trữ Liên bang (FED) bắt đầu tăng lãi suất năm 2022, gây lạm phát, giá nhà cũng theo đó tăng cao. Hai yếu tố kép trên khiến thị trường nhà ở sụp đổ.
Bên cạnh đó là dấu hỏi to tướng về lợi nhuận dài hạn của thị trường nhà ở, khi dấu hiệu suy thoái kinh tế ngày một rõ hơn. Tất cả dẫn đến quyết định thu hẹp hoạt động kinh doanh này của Wells Fargo.
Sau khi các cơ quan quản lý Mỹ kiểm tra hoạt động cho vay thế chấp trong thập kỷ qua, Wells Fargo cũng bị giám sát chặt chẽ hơn khi vụ bê bối tài khoản giả năm 2016 bị phát hiện.
“Chúng tôi nhận thức sâu sắc về quá trình hoạt động của Wells Fargo kể từ vụ việc năm 2016. Hiện công việc chúng tôi cần làm là khôi phục niềm tin của công chúng”, ông Santos nói.
Mục tiêu trước đây của công ty là tiếp cận càng nhiều người Mỹ càng tốt. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh cho vay mua nhà quá lớn. Do đó, công ty cần dừng lại để củng cố hoạt động.
Đến nay, Wells Fargo chỉ còn tập trung vào việc quản lý tài sản các khoản vay mua nhà của các khách hàng sẵn có hoặc chỉ cho một số người vay thuộc cộng đồng thiểu số, Đài CNBC cho biết.
Thị trường nhà ở lao đao - người lao động mất việc
Đây là sự thay đổi chiến lược mới nhất và có lẽ là quan trọng nhất của Giám đốc điều hành Charlie Scharf.
Các khoản thế chấp là khoản nợ lớn nhất của người Mỹ, chiếm 71% của 16.500 tỉ USD tổng số dư nợ của hộ gia đình Mỹ.
Ông Scharf gia nhập Wells Fargo cuối năm 2019. Dưới thời những người tiền nhiệm của ông, Wells Fargo tự hào về tỉ trọng lớn trong các khoản cho vay mua nhà.
Là công ty cho vay hàng đầu của Mỹ vào năm 2019, khối lượng cho vay thế chấp của Wells Fargo hiện lên đến 201,8 tỉ USD, theo bản tin Inside Mortgage Finance. Đây cũng là công ty cung cấp dịch vụ thế chấp lớn nhất của Mỹ.
Tuy nhiên, sự thay đổi này sẽ dẫn đến đợt sa thải mới với các hoạt động thế chấp của công ty. Hàng ngàn nhân viên lĩnh vực thế chấp đã bị chấm dứt hợp đồng hoặc tự nguyện rời khỏi công ty vào năm 2022 khi hoạt động kinh doanh sa sút.