Dân bàng hoàng nghe tin công ty "vỡ nợ"
Thêm một lần nữa, nhiều nông dân ở Gia Lai lại rơi vào cảnh lao đao, nước mắt đầm đìa vì hay tin Công ty TNHH MTV Hoàng Sang "vỡ nợ". Tài sản một năm dầm mưa dãi nắng, tích góp mang đi ký gửi phút chốc như tan biến khiến họ vô cùng hoang mang, bức xúc, cay đắng. Việc đầu tiên họ có thể làm là bao vây trụ sở công ty này, kêu gào, có người lao vào xiết nợ.
Hàng trăm người dân bao vây trụ sở Công ty Hoàng Sang đòi nợ. Ảnh: Lê Kiến
Kể lại vụ việc, ông Cao Văn Tỉnh - nhà đối diện cổng Công ty Hoàng Sang - chua chát nói: "Cách đây 3 ngày, tôi thấy công ty không có ai làm việc, chỉ thoáng nghi ngờ là có vấn đề, nhưng không ngờ sự việc lại như vậy. Đến khoảng 3 giờ sáng 12.3, tôi nghe ồn ào, thấy có nhiều người vào công ty xiết xe cộ thì mới biết. Lúc tôi gọi điện thoại liên hệ giám đốc thì không được. Nhà tôi làm cả năm được 10 tấn cà phê (trị giá hơn 300 triệu đồng) mang ký gửi cả rồi thì còn gì để ăn nữa, trong khi phải chạy tiền lo phân tro, ăn uống, giờ còn nợ ngân hàng 300 triệu đồng".
Sau khi thông tin Công ty Hoàng Sang "vỡ nợ" rộ lên, nhiều người có ký gửi nông sản vô cùng bàng hoàng, suy sụp tinh thần. Nếu không thu hồi được tài sản đã ký gửi, họ sẽ lâm cảnh khốn cùng, nợ nần chồng chất. Nhiều người sợ không thu hồi được đồng nào đã lao vào nhà riêng của bà An để xiết nợ, phút chốc căn nhà bà An đã trống trơn, ngay cả các bộ cửa gỗ cũng bị tháo gỡ.
Trao đổi với NTNN, bà Trần Thị Dương bức xúc: "Công ty lừa đảo chứ vỡ nợ gì. Tại sao họ không chịu ra đối thoại với dân mà trốn đi, cả công ty không còn một người nào. Ít ra họ phải đứng ra nói chuyện với dân, trả bớt phần nào để cho dân còn có cái mà sinh sống. Nhà tôi cả năm qua ăn không dám ăn, mặc không dám mặc để dành dụm, ký gửi gần 7 tấn cà phê, giờ chưa lấy được đồng nào. Tôi đang vay hơn 300 triệu sắp đến hạn trả nợ, trong khi còn nuôi con cái, giờ thì lấy tiền đâu mà lo liệu đây".
Theo bà Dương, cơ quan chức năng phải vào cuộc giải quyết cho dân, điều tra làm rõ vụ việc. Nếu không làm rõ, thiệt hại chỉ có dân nghèo. Theo bà, sau vụ này sẽ có nhiều đại lý nhỏ cấp dưới vỡ nợ theo, bởi rất nhiều đại lý cũng lao đao vì ký gửi nông sản vào công ty này.
Theo tìm hiểu của PV, số người tham gia ký gửi tại Công ty Hoàng Sang rất nhiều, hộ ít cũng vài tấn cà phê, hộ nhiều lên đến hơn 200 tấn. Cụ thể như hộ ông Huỳnh Tấn Đạt (thôn 2, xã Ia Tô, Ia Grai) nói đã bán cho công ty 35 tấn hạt điều trị giá hơn 1 tỷ đồng, chưa thu tiền; hộ bà Thể ở xã Ia Krái (Ia Grai) ký gửi 215 tấn cà phê (giá cà phê ngày 13.3 khoảng 37.000 đồng/kg).
Thượng tá Dương Anh Tuấn - Phó trưởng Công an huyện Ia Grai - cho biết: "Bước đầu, đơn vị đã nhận được 10 đơn trình báo với số tiền mà vợ chồng bà An vay mượn là 9,5 tỷ đồng. Đồng thời, số nông sản mà các hộ dân ký gửi là 245 tấn cà phê, 289 tấn điều (tổng trị giá khoảng 20 tỷ đồng). Hiện cơ quan công an vẫn chưa liên hệ được với vợ chồng bà An. Thông tin người dân nói là công ty vỡ nợ, còn nguyên nhân cụ thể như thế nào vẫn đang điều tra, làm rõ".
Dân có đòi được tiền khi DN vỡ nợ?
Vỡ nợ nông sản từ nhiều năm nay liên tục xảy ra ở rất nhiều tỉnh Tây Nguyên và cùng chung hình thức doanh nghiệp (DN), cơ sở thu mua nông sản đột nhiên tuyên bố vỡ nợ. Về phía người dân ký gửi thì lâm cảnh khốn cùng, điêu đứng vì tài sản phút chốc tay trắng. Vậy, các vụ vỡ nợ người dân có đòi được tài sản, DN có chịu trách nhiệm và bị xử lý hay không?
Qua tìm hiểu của PV, hầu hết các chủ đại lý, cơ sở thu mua nông sản nhận ký gửi vẫn "bình an vô sự" sau khi vỡ nợ. Thậm chí, nhiều người dân trắng tay chua chát nói vui là "chủ nợ vẫn nhởn nhơ, sống tốt ngoài vòng pháp luật". Nếu chủ DN thật sự trốn khỏi địa phương, được xác định rõ ràng thì mới bị truy tố hình sự, nhưng số này vẫn quá hiếm hoi. Phần lớn các DN, đại lý vẫn nhận nợ của người dân, không trốn đi đâu cả, còn tiền thì khi nào có mới trả, nên cơ quan chức năng chỉ xem là tranh chấp dân sự.
Bước đầu, đơn vị đã nhận được 10 đơn trình báo với số tiền mà vợ chồng bà An vay mượn là 9,5 tỷ đồng. Đồng thời, số nông sản mà các hộ dân ký gửi là 245 tấn cà phê, 289 tấn điều (tổng trị giá khoảng 20 tỷ đồng)". Thượng tá Dương Anh Tuấn - Phó trưởng Công an huyện Ia Grai |
Kể về câu chuyện vỡ nợ cách đây 2 năm, anh Bùi Văn Mộc (thôn H’Rát, xã Đăk D’Jrăng, huyện Đăk Đoa, Gia Lai) chua chát nói: "Nhà tôi ký gửi cà phê, hồ tiêu giá trị khoảng 250 triệu đồng cho DN Nguyệt Tỉnh (xã Kdang, huyện Đăk Đoa - NV), nhưng khi DN vỡ nợ không lấy được đồng nào. Tôi có làm đơn và được công an nhiều lần mời lên làm việc, nhưng sự việc đến nay chưa được giải quyết. Tôi chỉ mong luật pháp sớm có những quy định chặt chẽ, nhằm bảo vệ lợi ích cho người dân".
Về mặt dân sự, thực tế nông dân rất ngại kiện tụng ra tòa, mà chấp nhận mất tiền. Do vậy, nhiều vụ vỡ nợ nông sản được công khai tuyên bố, chủ DN vẫn bình thản trong khi dân lâm cảnh tay trắng. May mắn hơn, có một số DN chấp nhận đứng ra trả bớt một phần. Tại huyện Ia Grai, chủ cơ sở Kỳ Niềm sau khi tuyên bố vỡ nợ cũng chịu bán hết nhà cửa, xe cộ, kho xưởng để trả lại một phần cho dân.
Từ năm 2016 đến nay, Gia Lai thường xuyên xảy ra nhiều vụ vỡ nợ quy mô lớn: Tháng 5.2016, cơ sở thu mua nông sản Kỳ Niềm (xã Ia Krái, Ia Grai) vỡ nợ hơn 7,5 tỷ đồng. Tiếp đó là DN Nguyệt Tỉnh (xã Kdang, huyện Đăk Đoa) gần 40 tỷ đồng. Đến tháng 4.2017, DN Sáu Đào (tại xã Ia Glai, huyện Chư Sê) vỡ nợ 50 tỷ đồng. Mới trước Tết Nguyên đán vừa qua, nông dân ở xã Hải Yang (huyện Đăk Đoa) cũng điêu đứng vì chủ nợ tuyên bố không có tiền, số nợ khoảng 20 tỷ đồng.
Những vụ việc trên, cơ quan điều tra đều có chung kết luận: Không có dấu hiệu phạm tội hình sự về lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, người dân có thể khởi kiện ra tòa giải quyết theo hợp đồng dân sự. Tất nhiên khi ra tòa, phần lớn DN đều chấp nhận trả nợ. Nhưng sau bản án dân sự đó, người dân có lấy được tiền không, bao giờ lấy được lại là chuyện dài kỳ.
Tìm hiểu thật kỹ trước khi ký gửi Lâu nay, Hội Nông dân (ND) tỉnh Gia Lai đã có rất nhiều văn bản gửi các cấp hội trong tỉnh, yêu cầu tuyên truyền cho người dân nắm rõ các rủi ro trong việc ký gửi nông sản. Nhưng thực tế, nhiều vụ vỡ nợ vẫn diễn ra, phần lớn là do người dân không có kho bãi để nông sản, mặt khác do tin tưởng uy tín của các cơ sở nên mới ký gửi. Để tránh những việc tương tự xảy ra, Hội ND tỉnh khuyến cáo ND nên tìm hiểu kỹ về nơi ký gửi, tốt nhất là các DN nhà nước. Thứ hai, khi ký gửi phải làm hợp đồng để có ràng buộc về mặt pháp lý rõ ràng. Tuy nhiên, Nhà nước cũng cần có những văn bản dưới luật hướng dẫn cụ thể hơn việc xác định mức độ vi phạm để có hướng xử lý, truy cứu trách nhiệm đối với những cơ sở vỡ nợ. Ông Đỗ Văn Luân - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Gia Lai Tránh phạm tội cưỡng đoạt tài sản khi xiết nợ Sau khi xảy ra vụ việc tại Công ty Hoàng Sang, cơ quan công an đã cử lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, đồng thời khuyên can người dân không nên tự ý xiết nợ để tránh phạm vào tội cưỡng đoạt tài sản. Đối với những người đã lỡ lấy tài sản, chúng tôi vận động trả lại hoặc lập biên bản sự việc, để cho họ tạm giữ. Về xử lý vụ việc, bước đầu cơ quan công an hướng dẫn người dân trình báo sự việc và tiến hành thống kê nợ nần, điều tra nguyên nhân. Nếu có dấu hiệu hình sự thì sẽ tiến hành khởi tố, còn hợp đồng dân sự thì hướng dẫn người dân khởi kiện ra tòa án. Hiện vụ việc vẫn đang được tiến hành điều tra, chủ nợ vẫn chưa liên lạc được. Thượng tá Dương Anh Tuấn - Phó trưởng Công an huyện Ia Grai Doanh nghiệp cố ý không trả sẽ bị xử lý hình sự Theo Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1.1.2018, đối với hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đã quy định: Khi tiếp nhận tài sản hoặc vay tiền bằng hình thức công khai, nhưng đến thời hạn trả nợ mà tìm cách trốn tránh trả nợ, hoặc có tài sản, có điều kiện trả nợ mà cố ý không trả thì sẽ phạm vào tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Đây chính là cơ sở để xử lý các DN, đại lý vỡ nợ hoặc giả vờ vỡ nợ để chiếm đoạt tài sản của ND. Luật sư Tạ Quang Tòng - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đăk Lăk L.K (ghi) |