Cao điểm mùa khô (thường từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 5 hàng năm), bà con người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên thường ra vườn, lên rẫy, vào rừng, lật từng chùm lá để bắt sâu, hái kén nhộng sâu muồng.
Các món ăn chế biến từ sâu và nhộng muồng có vị ngậy, bùi, thơm và giàu dinh dưỡng - được ví như “tôm rừng” của Tây Nguyên.
Sâu trên cây muồng là sâu bướm phấn vàng. Sâu chỉ ăn lá muồng và không gây hại cho các loại cây trồng khác. Muồng đen là cây gỗ quý thuộc nhóm I, được trồng phổ biến nhằm chắn gió, che nắng cho vườn cà phê; đồng thời làm trụ cho cây hồ tiêu.
Anh Y Nhật Niê, xã Ea H'đing, huyện Cư M'gar cho biết: Kết thúc những đợt tưới cà phê, cây cối đâm chồi nảy lộc, sâu muồng phát triển mạnh. Khi sâu trưởng thành, chúng rời bỏ ngọn cây, xuống tán lá kéo kén. Cả sâu và nhộng đều có thể chế biến món ăn, nhưng ngon nhất vẫn là nhộng sâu (chế biến cả bao kén).
Mỗi ngày một người có thể bắt được 4-5kg kén nhộng muồng. Hiện kén nhộng muồng được bán với giá 170.000-200.000 đồng/kg.
Theo chị H'Thoa Mlô ở xã Ea H'đing huyện Cư M'gar, Đăk Lăk, có nhiều cách để chế biến món sâu và nhộng muồng. Phổ biến nhất là trộn với sả ớt rồi xào hoặc hấp gừng. Việc chế biến khá đơn giản, chỉ cần rửa sạch để ráo nước rồi ướp gia vị, sả, ớt và dùng dầu ăn xào chín tới; hoặc cho vào nồi hấp cách thủy. Nhộng xào sả ớt, hấp gừng... có thể làm thức ăn chơi, ăn với cơm hay làm đồ nhậu.
Sâu màu đen, kén nhộng màu xanh. Sau khi chế biến món ăn màu vàng ruộm bắt mắt. Các món ăn chế biến từ sâu và nhộng muồng có vị ngậy, bùi, thơm và giàu dinh dưỡng - được ví như "tôm rừng" của Tây Nguyên.
Sâu và nhộng muồng là món ăn quen thuộc của người Ê đê. Tuy vậy với những người chưa biết, mới nghe đã thấy ghê sợ, nhưng khi được thưởng thức thì rất thích thú. Món nhộng sâu muồng đang dần trở thành đặc sản của vùng đất Tây Nguyên./.