Theo Sở Công thương tỉnh Tây Ninh, hiện giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, hàng hóa dồi dào, đa dạng và không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng hay đột biến về cung cầu hàng hóa, giá cả.
Báo cáo giá cả thị trường gần đây của Sở Công thương tỉnh cho thấy, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, một số địa phương trong tỉnh phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ đã khiến người dân có tâm lý lo lắng, hoang mang, đổ xô vào các siêu thị, cửa hàng và chợ truyền thống để mua hàng tích trữ, làm cho một số mặt hàng tăng từ 10 - 20% và gây khan hiếm hàng cục bộ như trứng gà, cà rốt, bắp cải, đậu côve, cá, mì gói…
Trong đó, giá cả một số mặt hàng củ, quả tăng do chi phí vận chuyển, phí xét nghiệm của tài xế…
Trước tình hình này, Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố làm việc với hệ thống siêu thị và các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường nhằm đảm bảo cung ứng đầy đủ những mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là lương thực, thực phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, ứng phó với dịch Covid-19; đồng thời làm tốt hơn nữa việc cung cấp thông tin hàng hóa, thị trường, diễn biến dịch bệnh đến người dân, giữ ổn định xã hội, bình an cho nhân dân.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có những phương án bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của địa phương theo từng cấp độ diễn biến của dịch bệnh và có phương án hỗ trợ cung ứng hàng hóa cho địa phương khác khi cần thiết.
Sở Công thương tỉnh đánh giá, với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, hiện giá cả các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, hàng hóa dồi dào, đa dạng không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng hay đột biến về cung cầu hàng hóa và giá cả.
Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngày 14/7/2021, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tỉnh Tây Ninh - ông Nguyễn Thanh Ngọc quyết định nâng mức phòng dịch một số địa phương theo Chỉ thị số 16 và Chỉ thị số 15 của Chính phủ.
Cụ thể, từ 0h ngày 15/7/2021, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên toàn huyện Dương Minh Châu, thị xã Trảng Bàng, thị trấn Bến Cầu và các xã Lợi Thuận, An Thạnh, Tiên Thuận, Long Thuận, huyện Bến Cầu; thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 15 cho các huyện, thị xã, thành phố còn lại đến khi có thông báo mới.
Trong ngày 16/7/2021, Tây Ninh ghi nhận 33 trường hợp dương tính Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó: 28 ca là các trường hợp F1 trong khu cách ly, khu vực đã được phong tỏa; 1 ca có tiền sử về từ TP.HCM; 4 ca đang điều tra dịch tễ.
Toàn tỉnh Tây Ninh đã thiết lập 30 vùng phong tỏa, trong đó 3 vùng đã giải phóng (1 vùng tại Long Thành Nam - Hoà Thành; 1 vùng tại Hưng Thuận - Trảng Bàng; 1 vùng tại Cẩm Giang - Gò Dầu) và 27 vùng đang phong tỏa (Gò Dầu 1 vùng, Trảng Bàng 13 vùng, Dương Minh Châu 3 vùng, Bến Cầu 5 vùng; Hoà Thành 2 vùng, Tân Biên 1 vùng, TP. Tây Ninh 1 vùng và Châu Thành 1 vùng).
Hiện ông Nguyễn Thanh Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh yêu cầu các ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ nhằm đảm bảo các nguồn lực, điều kiện thiết yếu khi áp dụng theo Chỉ thị số 16 và Chỉ thị số 15 của Chính phủ, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân và hoạt động sản xuất kinh tế tại tỉnh.
Ngô Linh