Theo ông Nguyễn Thanh Ngọc, năm 2022, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP- theo giá so sánh 2010) ước thực hiện 55.914 tỷ đồng, tăng 8,84% so với cùng kỳ. Tỷ trọng nông - lâm - thuỷ sản ước đạt 20,6%; công nghiệp - xây dựng ước đạt 44,6%; dịch vụ ước đạt 30%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 3.700 USD. Giá trị sản phẩm bình quân sản xuất nông nghiệp thu được trên 1 ha đất trồng trọt ước đạt 106 triệu đồng, tăng 4 triệu đồng so với năm 2021. Toàn tỉnh có tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm ước đạt 255.909 ha, tăng 2% so kế hoạch. Đáng lưu ý là cơ cấu chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch từ nhỏ lẻ sang quy mô trang trại tập trung, bảo đảm an toàn sinh học.
Đến cuối năm 2022, tỉnh Tây Ninh có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 3 huyện, thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Có khoảng 35 - 40 sản phẩm được công nhận OCOP.
Về công nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 16,1% so với cùng kỳ, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 16,53%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 15,02% và ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9%; ngành khai khoáng giảm 2,1%.
Ông Nguyễn Thanh Ngọc (Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh) chủ trì phiên họp tháng 11/2022 UBND tỉnh.
Thu hút đầu tư ước đạt 700 triệu USD, diện tích đất cho thuê trong năm ước đạt 100 ha, doanh thu công nghiệp ước đạt 4.700 triệu USD. Lao động làm việc là 131.370 người, nộp ngân sách đạt 2.000 tỷ đồng. Tính đến giữa tháng 11/2022, có 370 dự án đầu tư còn hiệu lực (275 dự án FDI, 95 dự án trong nước) với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 8 tỷ USD và 20.865,56 tỷ đồng. Có 291 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh.
Toàn tỉnh có 5 cụm công nghiệp đang hoạt động với 20 dự án đầu tư thứ cấp với tổng doanh thu 1.827,09 tỷ đồng; diện tích đi vào hoạt động là 215,78 ha; diện tích đất công nghiệp đã cho thuê 129,79 ha, tỷ lệ lấp đầy chiếm 88,53% so diện tích đất công nghiệp. Tổng số lao động làm việc là 3.578 người, nộp ngân sách Nhà nước 25,129 tỷ đồng.
Đáng lưu ý là ngành điện đã cung cấp 4.581,79 triệu kWh điện, bảo đảm cung cấp đủ điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong tỉnh và còn bán sang Campuchia 13,72 triệu kWh điện và tiết kiệm được 142,38 triệu kWh điện. Tỷ lệ hộ dân có điện sử dụng đạt 99,97%; tỷ lệ hộ dân ở nông thôn có điện đạt 99,94%.
Ông Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 6,4 tỷ USD, tăng 19,7% so kế hoạch, tăng 25,9% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu đạt 5,7 tỷ USD, tăng 19,3% so kế hoạch, tăng 26,3% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu các ngành dịch vụ ước đạt 96.938 tỷ đồng, tăng 25,5% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 3.961 tỷ đồng, tăng 51,3% so với cùng kỳ.
Tây Ninh đạt doanh thu du lịch ước đạt 1.400 tỷ đồng, tăng 130% so cùng kỳ; với hơn 4,5 triệu lượt khách tham quan tại các khu, điểm du lịch trong tỉnh, tăng 200% so cùng kỳ. Các hoạt động tuyên truyền và quảng bá du lịch được đẩy mạnh trên mạng thông tin xã hội.
Thu ngân sách Nhà nước năm 2022 ước thực hiện 11.725 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ, tăng 17% dự toán địa phương, tăng 26,3% dự toán Trung ương giao. Tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng ước đạt 64.250 tỷ đồng, tăng 20% so đầu năm. Tổng dư nợ cho vay ước đạt 87.350 tỷ đồng, tăng 15% so đầu năm; tỷ lệ nợ xấu chiếm 1% tổng dư nợ.
Năm 2022, UBND tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới cho 784 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 15.074 tỷ đồng. Có 15 hợp tác xã (HTX) thành lập mới, 2 HTX giải thể. Hiện trên địa bàn tỉnh có 178 HTX, với 36.970 thành viên…
Vượt khó đề tiếp tục phát triển…
Nhìn nhận kết quả phát triển kinh tế xã hội năm 2022, là năm đầu tiên Tây Ninh đạt 19/19 chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội, trong đó có nhiều chỉ tiêu đạt sớm và vượt cao hơn kế hoạch đề ra. Song, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, ông Nguyễn Thanh Ngọc cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế cần khắc phục như: tình hình phục hồi sản xuất kinh doanh còn chậm, nhiều doanh nghiệp gặp khó do thị trường xuất khẩu bị thu hẹp; công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án còn chậm; chưa phát huy hết nguồn lực đất đai trong phát triển kinh tế; công tác sắp xếp, sử dụng nhà đất công còn chậm, gây lãng phí.
Trong công tác quản lý nhà nước, ông Nguyễn Thanh Ngọc cho rằng còn một số lĩnh vực còn lỏng lẻo, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế gây khó khăn cho công tác khám, chữa bệnh; thiếu giáo viên ở cấp học mầm non chậm khắc phục. Tình hình vi phạm an ninh trật tự, buôn lậu còn diễn ra phức tạp…
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc đề nghị các sở, ban, ngành tỉnh cần phải rà soát lại các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng để tiếp tục thực hiện trong năm 2023, trong đó, tập trung triển khai các Nghị quyết của Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh… đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các loại dịch bệnh khác; tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án trọng điểm. Khai thác tiềm năng, thế mạnh, nhất là nguồn lực về đất đai để thu hút đầu tư, tạo điều kiện các thành phần kinh tế tiếp tục phát triển….