Trong khi Singapore được đánh giá là "hình mẫu lý tưởng" dẫn đầu làn sóng trong nền kinh tế số của khu vực, thì Việt Nam lại được nhận xét là yếu tố thúc đẩy xu hướng này. Bên cạnh các sáng kiến liên quan đến nền kinh tế số của Việt Nam, các chuyên gia cho rằng dư địa khai thác mảng blockchain và trí tuệ nhân tạo (AI) của quốc gia này vẫn còn rất lớn.
Giới chuyên gia nhận định, đây là "thời điểm vàng" để thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ blockchain tại Việt Nam. Trong 2 thập kỷ tới, blockchain được dự đoán sẽ là từ khóa quan trọng nhất trong thế giới công nghệ. Bên cạnh đó, việc phát triển blockchain và AI sẽ sớm được tạo điều kiện thuận lợi tại Việt Nam, nhờ xu hướng chuyển đổi kỹ thuật số và sự xuất hiện của các bộ dữ liệu lớn.
Trên thực tế, chỉ trong 3 năm, Việt Nam đã trải qua cuộc chuyển đổi nhanh chóng, được thúc đẩy bởi "những cải tiến với nền kinh tế số, quyền công dân số và các thói quen mua sắm mới". Thậm chí, Việt Nam còn phát triển robot do AI điều khiển trong lĩnh vực giáo dục.
Hơn nữa, nhiều tổ chức đã bắt đầu phát triển và ứng dụng AI trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm giáo dục, viễn thông, bán lẻ, chăm sóc sức khỏe, và những lĩnh vực khác, không chỉ dần chiếm lĩnh thị trường mà còn thu về các khoản lợi nhuận khổng lồ.
Cụ thể, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, đưa trí tuệ nhân tạo trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam nằm trong nhóm 5 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN và nhóm 60 nước dẫn đầu trên thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo.
Đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN và nhóm 50 nước dẫn đầu trên thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Bên cạnh đó, hình thành được 3 trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia về trí tuệ nhân tạo; xây dựng được đội ngũ nhân lực chất lượng cao làm về trí tuệ nhân tạo bao gồm đội ngũ các chuyên gia và các kỹ sư triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu triển khai trí tuệ nhân tạo nhằm góp phần xây dựng xã hội sáng tạo, chính phủ hiệu quả, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế tăng trưởng bền vững, thông qua việc TTNT được ứng dụng rộng rãi trong hành chính công, dịch vụ công trực tuyến giúp giảm thời gian xử lý công việc, nhân lực bộ máy, giảm thời gian chờ đợi và chi phí của người dân.