Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) sẽ niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HoSE) vào ngày 4/6/2018 với giá 128.000 đồng/cổ phiếu. Đây là ngân hàng có giá niêm yết cao nhất trên thị trường ở thời điểm hiện tại, với vốn hóa ước chừng 6,5 tỷ USD – cao thứ hai chỉ sau Vietcombank.
Giá cổ phiếu TCB đã liên tục đi lên kể từ mùa hè năm ngoái sau khi có tin lên sàn chứng khoán. Giao dịch cổ phiếu này trước đây khá nhỏ giọt trên sàn OTC, nhưng đã tăng lên kể từ quý 4/2017 và cao hơn nữa vào quý 1/2018 khi ngân hàng tiếp nhận khoản đầu tư 370 triệu USD từ quỹ Warburg Pincus. Với việc bán 164 triệu cổ phiếu với giá trung bình 128.000 đồng/cổ phiếu vừa qua cho các nhà đầu tư nước ngoài, thương vụ niêm yết của Techcombank tới đây sẽ là lớn nhất kể từ thương vụ Vincom Retail JSC sáu tháng trước đây. Dragon Capital, Capital Group, Clermont Group, GIC, và Fidelity đều nằm trong danh sách các nhà đầu tư nền tảng của ngân hàng.
Khả năng sinh lời tốt nhất
Techcombank là ngân hàng dẫn đầu nhóm cổ phần hiện nay và là một trong hai ngân hàng ở Việt Nam chuẩn bị công bố lợi nhuận theo quy định IFRS (chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế). Trong số các ngân hàng lớn, Techcombank có chi phí thấp nhất, biên lãi thuần (NIMs) tốt, và đang thực hiện kế hoạch đầu tư vào công nghệ với khoản tiền tới 300 triệu USD. Techcombank cũng thực hiện kế hoạch bán chéo và kỳ vọng rằng tập trung vào phân khúc khách hàng trung và cao cấp (khách VIP) ở thành thị sẽ đem lại hiệu quả cao. Mới đây, Moody’s và S&P đã nâng hạng chỉ số huy động ngoại tệ và nội tệ của TCB lên mức B1, xếp hạng phát hành cổ phiếu bằng USD đạt B2, tương đương với mức xếp hạng quốc gia.
Thị trường dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam còn nhiều tiềm năng và Techcombank đang trên đà phát triển. Theo công bố ngày 20/4, lợi nhuận Quý 1 đạt 2.050 tỷ đồng, mức tăng trưởng trên 93%/năm, nằm ở ngưỡng trên của biên độ chào bán, giúp ngân hàng này đạt P/E (hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) là 18,5 lần.
Năm 2017, trong số các ngân hàng Việt Nam, Techcombank có hệ số Lợi nhuận trên tài sản (RoA) và Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (RoE) lần lượt là 23,84% và 2,09%, (ngoại trừ các giao dịch không thường xuyên), tương đương với các ngân hàng tốt nhất khu vực. Đồng thời đây cũng là một trong những ngân hàng có tỷ lệ thu nhập phí thuần cao nhất (23%), có tỷ lệ thu nhập ngoài lãi cao nhất (45%), và tỷ lệ chi phí trên thu nhập thấp nhất trong số các ngân hàng lớn của Việt Nam.
Dẫn đầu trong các phân khúc tăng trưởng cao
Đầu tiên là về tín dụng. Vay thế chấp bất động sản của khách hàng cá nhân giúp CAGR (lợi nhuận gộp) của ngân hàng năm qua tăng 17%, nhưng vẫn chiếm tỷ lệ thấp (tương đương 6% GDP và 30% hộ gia đình). Bên cạnh đó, cho vay mua xe tăng trưởng 15% - Mảng này chiếm 1% GDP nên vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng, và khi mức thu nhập tăng lên (nhất là ở các tỉnh có hoạt động xuất khẩu phía đông bắc Việt Nam với sự đầu tư mạnh mẽ của Samsung), người sử dụng xe máy sẽ chuyển sang dùng ô tô nhiều hơn.
Tiếp đến là dịch vụ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang đặt mục tiêu giảm tỷ lệ giao dịch tiền mặt xuống 10% vào năm 2020, nhưng tính đến năm 2017, tỷ lệ sử dụng thẻ chỉ đạt 5% - vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong mảng này. TCB có được nhiều khách hàng thu nhập cao với chi phí rất thấp thông qua thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ đồng thương hiệu TCB và Vietnam Airlines (và 15% tổng các khoản vay thế chấp của TCB đến từ những khách hàng này), cho thấy ngân hàng có chiến lược thu hút khách hàng thu nhập cao với chi phí thấp.
Kinh doanh bảo hiểm kết hợp với sản phẩm ngân hàng giúp tăng CAGR thêm 25-30%. Tỷ lệ sử dụng sản phẩm bảo hiểm thấp với tổng phí bảo hiểm nhân thọ chiếm 1% GDP, và phí bảo hiểm trung bình/người chỉ trên 22 USD. Tuy vậy, TCB đang dẫn đầu mảng kinh doanh này.
Với phân khúc khách hàng doanh nghiệp lớn và ngân hàng giao dịch là chủ đạo, Techcombank đang tập trung phát triển mạnh nhóm này. TCB hiện là nhà môi giới trái phiếu hàng đầu trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM với trên 80% thị phần -đây là mảng kinh doanh phát triển rất nhanh. TCB còn là nhà thu xếp trái phiếu doanh nghiệp số 1 và bán rất nhiều trái phiếu cho khách hàng thuộc phân khúc thu nhập cao qua kênh bán lẻ.
Ngoài ra ngân hàng đang có tổng thu nhập hoạt động (TOI)/nhân viên cao nhất trong số các ngân hàng Việt Nam và vượt xa các ngân hàng còn lại.
Triết lý kinh doanh của ngân hàng là tập trung vào phát triển toàn bộ chuỗi giá trị. Ví dụ như ở bất động sản, nhiều hoạt động cho vay diễn ra nhanh chóng ở cấp chủ đầu tư. Techcombank hướng đến toàn bộ chuỗi giá trị - cho vay nhà cung cấp cho chủ đầu tư dự án bất động sản, nhà thầu, và các khoản vay thế chấp.
Ngân hàng tập trung vào khách hàng có thu nhập cao (thu nhập hàng năm từ 1 tỷ đồng trở lên) và phân khúc thu nhập khá (200 triệu – 1 tỷ đồng/năm) có tiền gửi tiết kiệm, có nhu cầu sử dụng sản phẩm thứ hai và thứ ba (như bảo hiểm và thế chấp), hướng tới việc bán thêm và bán chéo thường xuyên.
Những thách thức với Techcombank là gì?
Mặc dù ngân hàng đang dẫn đầu và có cơ sở kinh doanh vững chắc, nhưng vẫn đối diện không ít những thách thức.
Đầu tiên là giữ chân nhân tài. Techcombank hiện dành nguồn ngân sách lớn cho hoạt động đào tạo và phát triển nhân lực xuất sắc. Tuy nhiên, Techcombank vẫn đối mặt với tình trạng nhiều nhân sự xuất sắc bị nhiều các ngân hàng khác "săn tìm" với mức lương rất cao. Do đó, đây sẽ là thách thức không nhỏ về giữ chân nhân tài, để tạo nền tảng nhân sự duy trì tốc độ phát triển mạnh mẽ.
Thứ hai, quản trị rủi ro là nền tảng để đảm bảo mức độ thành công lâu dài trong tương lai. Dù Techcombank hiện có tỉ lệ nợ xấu thấp và đang đầu tư rất lớn vào nền tảng để phát triển hệ thống nhằm kiểm soát chặt chẽ rủi ro, song đây cũng là vấn đề cần lưu ý.
Thứ ba, Ngân hàng điện tử đang trở thành xu hướng phổ biến toàn cầu, nên chi phí nền tảng cho công nghệ để đáp ứng nhu cầu khách hàng, nhất là ở phân khúc thu nhập cao, ngày càng lớn. Vì vậy, Techcombank đang phải tập trung nâng tầm hệ thống ngân hàng lõi, các hệ thống công nghệ thông tin và khoản đầu tư này chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng chi phí hàng năm. Sau một thời gian chuyển đổi, chất lượng dịch vụ mới đáp ứng được đủ mọi yêu cầu và đòi hỏi của khách hàng. Và hơn nữa, yêu cầu về chất lượng dịch vụ của khách hàng có thu nhập cao sẽ ngày càng tăng lên những mức độ cao hơn.
Thứ tư, việc áp dụng IFRS có thể có tác động lớn đến cách làm việc và các bản báo cáo tài chính của TCB. Chuẩn bị nguồn lực nhân sự và các hệ thống phân tích này cũng không dễ dàng. Vi vậy, TCB cần đồng hành với các công ty tư vấn hàng đầu thế giới để xây dựng mô hình này, với chi phí không hề rẻ.
Và thứ năm, 2/3 chi nhánh của TCB ở TP.HCM và Hà Nội, hai khu vực này chiếm 17% dân số Việt Nam. TCB đang cân nhắc và phát triển kế hoạch thương hiệu và truyền thông tốt hơn để tăng cường nhận diện thương hiệu tại các tỉnh, thành, các vùng kinh tế khác ngoài hai khu vực trên.