Theo cấp phép của UBCKNN, TEG sẽ chào bán 21,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 3:2, cổ đông sở hữu 3 cổ phiếu nhận quyền mua thêm 2 cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu; chào bán 10 triệu cổ phiếu thông qua đấu giá công khai, giá khởi điểm là 10.000 đồng/cổ phiếu.
Bên cạnh đó, TEG sẽ trả cổ tức tỷ lệ 5% bằng cổ phiếu, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu nhận thêm 5 cổ phiếu mới, nguồn vốn từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Như vậy, doanh nghiệp sẽ phát hành thêm hơn 1,6 triệu cổ phiếu.
Số tiền thu được từ đợt phát hành cho cổ đông hiện hữu và chào bán công khai ước tính hơn 316 tỷ đồng sẽ dùng đầu tư và gia tăng sở hữu cổ phần tại CTCP Năng lượng Trường Thành (TTP). Tính tới 31/12/2020, TEG đang sở hữu 26,28% vốn điều lệ (trực tiếp và gián tiếp) tại CTCP Năng lượng Trường Thành.
Giá trị sổ sách tại ngày 31/12/2020 của Công ty Cổ phần Năng lượng Trường Thành tại Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020 là 10.581 đồng/cổ phiếu, còn theo Báo cáo thẩm định giá cổ phiếu của Công ty chứng khoán chuyên nghiệp thì cổ phiếu Công ty Cổ phần Năng lượng Trường Thành có giá 16.081 đồng/cổ phần.
TEG dự kiến mua lại 28,7 triệu cổ phiếu từ cổ đông hiện tại của TTP với giá mua tối đa 11.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, tổng giá trị cổ phiếu TTP dự kiến mua lại là khoảng 315,89 tỷ đồng. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu trực tiếp và gián tiếp của TEG tại TTP là trên 90% cổ phần.
Công ty Cổ phần Năng lượng Trường Thành (tiền thân là Công ty Cổ phần Năng Lượng và Công nghệ cao Trường Thành) được thành lập năm 2016 với định hướng hoạt động tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, hướng tới các mục tiêu xanh, sạch và gắn với sự phát triển của cộng đồng và xã hội.
Từ khi thành lập, TTP đã hợp tác với các đối tác nước ngoài uy tín trên thế giới và trong khu vực để thực hiện đầu tư xây dựng và phát điện thành công 3 dự án nhà máy điện mặt trời với tổng công suất đạt gần 360MWp trong tháng 5 và tháng 6 năm 2019. Đó là Nhà máy điện mặt trời Hòa Hội tại Phú Yên; Nhà máy điện mặt trời Bình Nguyên ở Quãng Ngãi và Nhà máy điện mặt trời Cát Hiệp tại Bình Định.
Cả ba dự án này đều được ký kết Hợp đồng mua bán điện với mức giá FIT cố định 9,35 UScents/kWh trong suốt 20 năm kể từ ngày phát điện thương mại, đảm bảo hiệu quả đầu tư luôn ổn định và ở mức cao với mức đóng góp trung bình hơn 500 triệu kWh mỗi năm cho hệ thống điện Việt Nam (chiếm khoảng 8% công suất nguồn của cả nước tại thời điểm phát điện thương mại).
TTP đang là cổ đông lớn tại CTCP TTP Phú Yên (công ty dự án của ĐMT Hòa Hội), CTCP Năng lượng và Công nghệ cao Trường Thành Quảng Ngãi (công ty dự án của ĐMT Bình Nguyên) và CTCP Điện mặt trời Kỳ Sơn (công ty dự án của ĐMT Kỳ Sơn). Ngoài ra, TTP đang nắm giữ cổ phần chi phối tại CTCP TTP Phù Mỹ (dự án điện gió tại Bình Định) và CTCP TTP Trà Vinh (dự án nhà máy điện gió tại Trà Vinh). Các dự án ĐMT Kỳ Sơn, Điện gió TTP Phù Mỹ và Điện gió TTP Trà Vinh đều đã hoàn thành các bước thẩm định và đang được xem xét đề xuất bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045 (Quy hoạch điện VIII).
Hiện tại, TTP đang tập trung đầu tư thi công nhà máy điện gió Trà Vinh1-2 với quy mô 50MW, nhà máy dự kiến phát điện thương mại trong tháng 10/2021 để kịp hưởng giá FIT với điện gió là 9,5cent/kwh.
TTP đặt mục tiêu trở thành một công ty năng lượng uy tín trên thị trường năng lượng tái tạo của Việt Nam, hướng tới nắm giữ cổ phần chi phối tại một số dự án điện mặt trời đang phát triển, giúp đem lại nguồn doanh thu ổn định từ việc sản xuất và kinh doanh điện. Công ty dự kiến doanh thu, lợi nhuận giai đoạn 2021 – 2023 khá tích cực. Cụ thể, doanh thu năm 2021 của TTP dự kiến 44,7 tỷ đồng; 2022 là 156 tỷ đồng và 2023 là 273 tỷ đồng; tương ứng với lợi nhuận sau thuế là 33,8 tỷ; 81,18 tỷ và 161,54 tỷ đồng. Như vậy, có thể thấy tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của Công ty rất cao lần lượt ước đạt 75,71%; 51,74% và 59,05%.
Trong chiến lược phát triển của mình, TTP có kế hoạch đầu tư nhiều nhà máy điện tái tạo trong 5 năm tiếp theo như Nhà máy điện mặt trời Quảng Phú tại Đăk Nông (quy mô 50MWp), Nhà máy điện mặt trời Chánh Thuận tại Bình Định (quy mô 50MWp); Nhà máy điện mặt trời Cát Hiệp 2 ở Bình Định (quy mô 50 MWp); nhà máy điện mặt trời Trường Thành Ninh Tân ở Khánh Hòa (quy mô 24,96 MWp); Nhà máy điện gió Đông Hải 3 ở Trà Vinh (quy mô 120 MW); nhà máy điện gió Tân Ân ở Cà Mau (quy mô 100 MW). Các nhà máy này đều đang chờ Quy hoạch điện VIII được thông qua để triển khai các thủ tục đầu tư.
Theo kịch bản cơ sở của dự thảo Quy hoạch điện VIII, tới năm 2030, tổng công suất đặt nguồn điện của Việt Nam ước đạt 137,6 GW (trong đó nhiệt điện than 27%; nhiệt điện khí 21%; thủy điện 18%; điện gió, mặt trời và năng lượng tái tạo khác 29%, nhập khẩu khoảng gần 4%; thủy điện tích năng và các loại thiết bị lưu trữ năng lượng khác khoảng gần 1%).
Cơ cấu nguồn điện cho thấy Quy hoạch điện VIII vẫn khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo (ngoài thủy điện), từ khoảng 25% năm 2020 lên tới gần 30% năm 2030. Đây chính là dư địa lớn để TTP tiếp tục phát triển trong thời gian tới, cũng là cơ hội lớn cho TEG tham gia sâu hơn vào năng lượng tái tạo với tư cách công ty mẹ của TTP.