Trao đổi với Báo Người Lao Động chiều ngày 24-10, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết Temu là nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới có ngôn ngữ thể hiện tiếng Việt và thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 52 ngày 16-5-2013 của Chính phủ về TMĐT (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 85 ngày 25-9-2021).
Ngày 24-10, Temu đã có văn bản gửi Cục TMĐT và Kinh tế số - Bộ Công Thương về việc thực hiện các yêu cầu tuân thủ pháp luật TMĐT Việt Nam khi gia nhập thị trường.
Theo Cục TMĐT và Kinh tế số, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển TMĐT trung bình 25%/năm, thuộc top đầu so với các quốc gia khác ở Đông Nam Á.
Thị trường bán lẻ TMĐT ước đạt 20,5 tỉ USD năm 2023, số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến hiện đang vượt ngưỡng 61 triệu người và giá trị mua sắm trực tuyến của một người vào khoảng 336 USD.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay cùng với sự phát triển nhanh và năng động của TMĐT, Việt Nam trở thành điểm đến mới của các nền tảng TMĐT xuyên biên giới, trong đó có Temu.
Vì vậy, để tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực TMĐT xuyên biên giới nói chung, trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành công điện về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về TMĐT.
Trong đó, có nội dung nghiên cứu, đề xuất ban hànhlLuật chuyên ngành về TMĐT nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động TMĐT xuyên biên giới và sửa đổi Quyết định số 78 ngày 30-11-2020 của Thủ tướng Chính phủ về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế.
Cùng với đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc: Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp Tổng cục Hải quan tăng cường giám sát, kiểm soát các hàng hoá, sản phẩm từ các nền tảng xuyên biên giới.
Ủy ban Cạnh tranh quốc gia tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng, có những biện pháp tuyên truyền kịp thời đến người tiêu dùng , nâng cao nhận thức về những rủi ro khi mua hàng trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới; trong trường hợp phát sinh những vi phạm, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để có biện pháp kỹ thuật ngăn chặn phù hợp.
Đáng chú ý, Bộ Công Thương đang xây dựng báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu phương án giám sát, quản lý hàng hóa nhập khẩu lưu thông qua các sàn TMĐT chưa tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực TMĐT.
Temu là nền tảng bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới của PDD Holdings (Trung Quốc) - tập đoàn sở hữu trang TMĐT Pinduoduo chuyên hàng giá rẻ.
Liên quan sàn TMĐT này, tối 23-10, Cục TMĐT và Kinh tế số thông tin sàn chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam.
Trong khi đó, Temu đã có app cho người Việt Nam mua sắm mừng khai trương với chương trình giảm giá lên đến 90%, giao hàng miễn phí…
Đặc biệt, nhiều người tiêu dùng Việt Nam háo hức tải phần mềm Temu về mua sắm và giới thiệu cho bạn bè vì được tặng ngay 50 ngàn đồng khi tạo tài khoản, nhận 150 ngàn đồng cho mỗi lần giới thiệu bạn bè…