Việc Temu dừng hoạt động phiên bản tiếng Việt và nền tảng di động khiến không ít người lo ngại, đặc biệt là các khách hàng, đối tác làm ăn với sàn này đã trả trước tiền hàng để nhận được khoản chiết khấu cao đang rất lo ngại.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, sau khi làm việc với Cục TMĐT và Kinh tế số - Bộ Công Thương, Công ty Elementary Innovation Pte. Ltd, chủ sở hữu nền tảng TMĐT Temu thông qua Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT (online.gov.vn) đã thực hiện nộp hồ sơ đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ TMĐT.
Cục TMĐT và Kinh tế số đã tiến hành rà soát và yêu cầu Temu bổ sung hồ sơ. Đến nay, Temu đã nộp hồ sơ sửa đổi, bổ sung lần 2, Cục TMĐT và Kinh tế số đang trong quá trình xem xét nội dung hồ sơ theo quy định của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 85/2021/NĐ-CP) về TMĐT.
Trong thời gian hoàn thiện hồ sơ, Temu đã triển khai thực hiện một số yêu cầu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương.
Cụ thể: Temu đã tạm dừng cung cấp dịch vụ TMĐT tại Việt Nam (không sử dụng ngôn ngữ thể hiện tiếng Việt khi cung cấp dịch vụ trên website Temu.com và ứng dụng di động Temu). Tuy nhiên, Temu vẫn hoạt động trên phiên bản tiếng Anh và các ngôn ngữ khác.
Temu đã phát đi cảnh báo với người tiêu dùng về việc đang trong quá trình đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ TMĐT với Bộ Công Thương. Cảnh báo này để người tiêu dùng biết đây là website, ứng dụng chưa được Bộ Công Thương cấp phép và cần thận trọng khi thực hiện giao dịch.
Gỡ bỏ các chương trình khuyến mãi chưa tuân thủ quy định pháp luật về xúc tiến thương mại theo pháp luật của Việt Nam. Toàn bộ các sản phẩm, hàng hoá có khuyến mãi trên 50% được gỡ bỏ theo quy định tại Nghị định số 81 ngày 22-5-2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại và pháp luật có liên quan khác.
Đặc biệt, bỏ các chương trình, mô hình kêu gọi người dùng tham gia kinh doanh để được hưởng các khoản thưởng và hoa hồng khác nhau tại thị trường Việt Nam.
Hiện nhiều người đã sử dụng, mua hàng trên Temu thông qua các giao dịch thanh toán trước, trả hàng sau đang hoang mang vì tiền gửi đi xong vẫn chưa nhận được hàng. Việc Temu dừng hoạt động phiên bản tiếng Việt trên Web và trên di động cũng khiến nhiều người lo ngại.
Theo đại diện Cục Thương mại điện tử và kinh tế: Người tiêu dùng không nên hoang mang quá nếu đã đặt hàng ở Temu trước đó, bởi nếu quá thời hạn mà chưa giao hàng, sàn Temu phải có nghĩa vụ chuyển trả lại tiền cho người tiêu dùng.
Theo thông tin, hiện các đơn hàng mua trên sàn Temu không được làm thủ tục pháp lý để thông quan vào Việt Nam. Chỉ khi nào được Bộ Công Thương cấp phép, cơ quan Hải quan mới thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua sàn này.
Liên quan đến chính sách bảo vệ người tiêu dùng, người dân mua hàng tại Temu, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Cạnh tranh để yêu cầu các nền tảng TMĐT xuyên biên giới rà soát và thực hiện các trách nhiệm của nền tảng số trung gian đối người tiêu dùng tại Việt Nam.
Theo đại diện Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, người dân khi có các giao dịch với Temu, đặc biệt là các giao dịch lớn (của hàng, trung gian phân phối và đặt trước sản phẩm…) cần lưu giữ hoá đơn, chứng từ hợp pháp về giao dịch hợp pháp với Temu hoặc bên thứ 3 để làm căn cứ đối chứng và cung cấp cho cơ quan chức năng bất cứ khi nào họ cần.