Trong cuộc phỏng vấn trên chương trình "60 Minutes" của CBS News ngày chủ nhật (9/12), tỷ phú Elon Musk cho biết Tesla sẽ cân nhắc mua lại các nhà máy sắp bị đóng cửa của hãng ôtô lớn nhất tại Mỹ - General Motors (GM).
"Nếu họ bán nhà máy hoặc không sử dụng chúng, chúng tôi sẽ mua lại", Musk - CEO của hãng xe điện Tesla nói trong chương trình.
Cuối tháng trước, GM tuyên bố sẽ đóng cửa 5 nhà máy và sa thải 14.000 nhân viên, đồng thời dừng sản xuất một số mẫu xe - động thái nhằm chuẩn bị cho sự suy giảm của thị trường xe chạy xăng truyền thống và dịch chuyển theo hướng đầu tư nhiều hơn cho xe chạy điện và xe không người lái.
Theo CNBC, quyết định của GM gây phản ứng dữ dội từ phía các nhà làm luật tại Mỹ, lãnh đạo tổ chức công đoàn và những người kiếm sống phụ thuộc vào các nhà máy này. Tổng thống Mỹ Donald Trump thậm chí cảnh báo sẽ cắt trợ cấp đối với GM để trả đũa cho việc cắt giảm việc làm và đóng cửa nhà máy ở Mỹ.
Kế hoạch cải tổ của GM còn bị Thủ tướng Canada Justin Trudeau và các tổ chức công đoàn nước này phê phán, bởi GM cũng sa thải một lượng lớn nhân công ở Canada.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng quyết định của GM là bước đi cần thiết để đảm bảo tương lai của công ty trong bối cảnh thị hiếu của khách hàng thay đổi cũng như sự ra đời của công nghệ mới và nhiều đối thủ, trong đó có Tesla.
Việc GM đóng cửa các nhà máy là cơ hội với Tesla. Nếu nắm lấy cơ hội này, đây sẽ không phải lần đầu tiên Tesla mua một nhà máy của GM. Nhà máy hiện tại của Tesla tại Fremont, California từng là nhà máy bị đóng cửa vào năm 2010 của GM.
Cũng trong chương trình trên, Musk chia sẻ rằng ông không hối hận về những rắc rối xung quanh đăng tải trên Twitter cá nhân vài tháng trước. Ông cũng liên tục nhấn mạnh rằng "không tôn trọng" Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) mà tiến hành thỏa thuận chỉ bởi ông tôn trọng luật pháp Mỹ.
Trước đó, vào tháng 9, SEC đã đâm đơn kiện Musk, cáo buộc ông gây hiểu lầm cho nhà đầu tư khi đăng tải trên Twitter nói rằng muốn đưa Tesla trở thành công ty tư nhân với giá 420 USD/cổ phiếu và "đã tìm được nguồn vốn".
Vài tuần sau đó, Musk rút lại kế hoạch này. Theo thỏa thuận với SEC, Musk phải nộp phạt 20 triệu USD và rời khởi vị trí chủ tịch Tesla trong 3 năm. Sau đó, công ty này đã bổ nhiệm bà Robyn Denholm - một thành viên hội đồng quản trị, làm chủ tịch.
Musk thừa nhận rằng đôi lúc ông "khá bốc đồng" và nói thêm rằng ông "thực sự không muốn làm theo hình mẫu CEO nào cả".
"Tôi chỉ muốn là tôi mà thôi. Ý tôi là tôi đã bị căng thẳng cực độ và trải qua những giờ phút kinh khủng. Nhưng cả hệ thống sẽ sụp đổ nếu như tôi thực sự thất thường", Musk nói.
Tesla đang vật lộn để đẩy nhanh sản xuất mẫu xe điện Model 3. Công ty này đã phải xây dựng một cơ sở lắp ráp thứ 2 bên trong cấu trúc giống như chiếc lều gần nhà máy chính tại Fremont, California. Quyết định này của Tesla một lần nữa khiến nhiều người trong ngành chế nhạo. Tuy nhiên, Musk cho biết biện pháp này đã giúp tăng sản lượng lên 50%. Mẫu xe Model 3, được ra mắt lần đầu vào tháng 3/2016, "có thể" được giao trong 5 - 6 tháng nữa.