Tuần trước, CEO Tesla là Elon Musk đã ấn thích một bài tweet có nội dung: "Tesla chính thức trở thành nhà sản xuất ô tô giá trị nhất thế giới! Xin chúc mừng".
Dòng tweet này còn đăng kèm hình ảnh chụp màn hình danh sách 25 nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới tính về giá trị thị trường. Danh sách này cho thấy Tesla đứng trên cả Toyota lần đầu tiên trong lịch sử với vốn hóa thị trường 183,67 tỷ USD trong khi đó con số tương tự của Toyota là 178,78 tỷ USD.
Nhưng có một vấn đề. Rất nhiều nhà đầu tư, gồm cả những người sử dụng cổng dữ liệu tài chính của Bloomberg lại thấy một điều rất khác: Tesla vẫn cần phải có hơn 25 tỷ USD vốn hóa thị trường nữa mới vượt Toyota.
Vậy ai mới đúng? Vấn đề ở đây khá phức tạp.
Ai cũng đồng ý rằng giá trị thị trường của một công ty hay vốn hóa thị trường của họ được xác định bởi giá thị trường của cổ phiếu nhân với số cổ phiếu phổ thông đang lưu hành. Tuy nhiên, cách xác định lượng cổ phiếu đang lưu hành lại chưa thống nhất ở nhiều nơi.
Trong những năm gần đây, các công ty Nhật Bản đã mở rộng việc mua lại cổ phiếu để tăng lợi nhuận cho các nhà đầu tư và họ có xu hướng tích trữ những cổ phiếu này. Với Toyota, đơn vị đã đẩy mạnh mua lại cổ phiếu của chính mình trong suốt 6 năm qua thì họ đang nắm trong tay lượng cổ phiếu mua lại nhiều hơn bất kỳ công ty nào khác ở Nhật Bản.
Trong tài chính, những loại cổ phiếu mua lại như vậy được gọi là cổ phiếu quỹ, nhưng nó lại được kê khai theo những cách rất khác nhau ở mỗi quốc gia khác nhau. Một vài thị trường gần như cấm sở hữu cổ phiếu loại này, trong khi đó một số khác lại tính chung vào.
Khi nhìn vào các công ty niêm yết tại Nhật Bản, cổ phiếu quỹ điển hình bao gồm trong vốn hóa thị trường được niêm yết. Và khi một công ty có giá trị như Toyota nắm giữ nhiều cổ phiếu quỹ như vậy - trên 14% theo dữ liệu của Bloomberg - điều đó sẽ tạo ra ảnh hưởng lớn tới vốn hóa thị trường.
Một xếp hạng vốn hóa thị trường của các công ty được công bố hàng tháng bởi Sở giao dịch chứng khoán Tokyo cho thấy vốn hóa thị trường gồm cả cổ phiếu quỹ và giá trị thị trường của Toyota tính tới cuối tháng 5 là 22 nghìn tỷ yên (205 tỷ USD) – con số gồm cả 30 tỷ USD giá trị cổ phiếu quỹ.
Nếu như bỏ lượng cổ phiếu quỹ này, Toyota chỉ trị giá 18,8 nghìn tỷ yên (175 tỷ USD) theo tính toán của Bloomberg. Điều này cũng phù hợp khi bạn tìm kiếm trên cổng dữ liệu của Yahoo Finance – nguồn mà dòng tweet công bố Tesla là nhà sản xuất ô tô giá trị nhất thế giới sử dụng dữ liệu. Nhiều cách tính vốn hóa thị trường gồm cả những công ty niêm yết tại Mỹ không bao gồm cổ phiếu quỹ.
Tesla trong khi đó lại không sở hữu bất kỳ cổ phiếu quỹ nào. Vậy liệu đây có phải là so sánh hợp lý khi mọi người đang cố gắng tìm ra nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới hay không?
"Điều này khá ngữ nghĩa. Vốn hóa thị trường có thể được xác định theo nhiều cách. Nó phụ thuộc vào thứ mà bạn đang cố gắng tiếp cận", theo Nick Reece - Quản lý tại quỹ đầu tư Merk Investment.
Sau khi tăng 6% trong phiên giao dịch ngày thứ 2, giá trị của Tesla đạt 183,8 tỷ USD và vượt con số 175 tỷ USD của Toyota. Tuy nhiên, số lượng cổ phiếu quỹ mà Toyota nắm đã tăng gấp đôi kể từ năm 2014.
So sánh lượng cổ phiếu đang lưu hành và cổ phiếu quỹ của 3 hãng xe lớn.
Một chuyên gia thì nhận định rằng: "Tôi cho rằng bạn có thể loại bỏ cổ phiếu quỹ trong cách tính vốn hóa thị trường miễn là bạn làm rõ về sự tồn tại của chúng".
Dẫu vậy thì, trong nhiều trường hợp, có lẽ sẽ là không đúng khi so sánh giữa một công ty vốn tạo ra trung bình lợi nhuận ròng 2 nghìn tỷ yên (18,7 tỷ USD) mỗi năm trong suốt 6 năm qua như Toyota với một công ty chưa từng có 1 năm nào có lãi như Tesla.
"Chẳng có ai nghĩ đơn giản là vì vốn hóa thị trường của Tesla đã gần đạt đến mức của Toyota thì tức là Tesla ngang cơ với Toyota cả", Norihiro Fujito, Chiến lược gia tại Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities Co. ở Tokyo nói.
Theo Bloomberg