Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết tại hội nghị cung cấp thông tin về tình hình công nhân, viên chức, lao động, hoạt động công đoàn chiều 2/12, dịp Tết sắp tới, người lao động có đóng bảo hiểm xã hội tại doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập có đóng kinh phí công đoàn; cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh khó khăn được chăm lo, thăm hỏi từ nguồn tài chính công đoàn với mức 300.000 đồng/người.
Tổng số nguồn kinh phí dự kiến là 2.400 tỷ đồng. Đối với đoàn viên, người lao động tại đơn vị hành chính và sự nghiệp công lập thì công đoàn cơ sở chủ động cân đối nguồn tài chính để chăm lo, thăm hỏi.
Nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, cả doanh nghiệp và người lao động cũng đều rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp hiện trong giai đoạn phục hồi. Trong bối cảnh đó, ông Hiểu cũng cho biết: "Với những người khó khăn hơn, chúng tôi sẽ hỗ trợ thêm từ 1-2 triệu đồng từ nguồn tài chính công đoàn và từ nguồn xã hội hóa”.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, năm nay, với việc thưởng Tết có thể bị giảm, lương tối thiểu không tăng, khó khăn đối với người lao động sẽ tăng thêm. Những nơi người sử dụng lao động chưa thể hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, quan điểm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chỉ đạo tăng cường công tác thương lượng.
"Chăm lo Tết cũng là một cách giữ chân người lao động trong bối cảnh thiếu lao động như hiện nay", ông Ngọ Duy Hiểu nói.
Đối với đoàn viên, người lao động tại đơn vị hành chính và sự nghiệp công lập thì công đoàn cơ sở chủ động cân đối nguồn tài chính để chăm lo, thăm hỏi.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, qua thực tế mà tổ chức công đoàn nắm được, rất nhiều doanh nghiệp với trách nhiệm xã hội cao, vẫn đang nỗ lực ở mức cao nhất, chia sẻ lợi nhuận và thậm chí chấp nhận cả việc chưa lãi, hoặc lỗ để có thể giữ chân người lao động và giúp người lao động có một cái Tết cơ bản. Đây cũng chính là động lực để người lao động gắn bó, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.