Chỉ trong vòng nửa năm, số lượng môi giới tại một CTCK top 5 giảm 200 người, tương đương quân số giảm 1/3 so với đầu năm ngoái, trong khi đó tại một CTCK đơn xin nghỉ việc của các leader môi giới cứng được gửi về liên tục cho phòng nhân sự.
Năm 2019 là một năm khó khăn của thị trường chứng khoán Việt Nam, thanh khoản của toàn thị trường giảm 29% so với cùng kỳ năm trước trong đó riêng sàn Hà Nội giá trị giao dịch giảm 48%. Mặc dù Vn-Index tăng hơn 7% song thị trường phân hoá mạnh mẽ, chỉ tập trung tại nhóm cổ phiếu VIC, một vài cổ phiếu vốn hoá lớn trong khi hầu hết thị trường đều trồi sụt. Thị trường chán nản, miếng bánh bị co lại trong khi áp lực cạnh tranh gay gắt trong nội bộ các CTCK khiến rất nhiều môi giới không hoàn thành chỉ tiêu doanh số.
Áp lực từ phí 0 đồng
Tháng 1/2019, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 128/2018/TT-BTC (Thông tư 128), thay thế cho Thông tư số 242/2016/TT-BTC quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán. Theo đó, phí dịch vụ môi giới chỉ bị chặn trần 0,5% giá trị giao dịch, bỏ quy định sàn 0,15% trước đó.
Phí môi giới vẫn đóng góp khoảng 30% nguồn thu của các CTCK. Tuy nhiên từ năm 2018, một số CTCK đã lách luật bằng cách cung cấp phí 0 đồng, tức là miễn phí toàn bộ phí giao dịch cho khách hàng. Đổi lại, các CTCK này sẽ có nguồn thu từ việc cho vay margin và hút được khách từ các CTCK lớn.
Thống kê kết quả kinh doanh năm 2019 cho thấy, trong khi doanh thu môi giới của VPBS tăng gần 57%, doanh thu cho vay margin tăng 39% thì các ông lớn trong top 5 như SSI doanh thu môi giới giảm 48,6%, VCSC giảm 57%, HSC, VND, MBS giảm trên 35%, SHS giảm 48%.
"Em nghỉ việc đây chị ạ", Hằng, môi giới cứng tại một CTCK trong nước chia sẻ. Cuộc chơi 0 đồng đã khiến CTCK nơi Hằng làm việc buộc phải thay đổi chính sách hoa hồng cho môi giới.
Theo đó, một số phòng môi giới được thí điểm cách tính hoa hồng. Nếu trước đây, hoa hồng được chia ngay hàng tháng dựa trên giá trị giao dịch của khách hàng, thường là 30% thì bây giờ cơ chế tính điểm KPI giống như tại các ngân hàng. Ngoài phí giao dịch của khách, môi giới bị áp bán các sản phẩm chéo như bảo hiểm, trái phiếu…đến cuối năm nếu hoàn thành chỉ tiêu mới được trả thưởng. Trong khi đó, các CTCK trả lương cứng của môi giới rất thấp, khi chuyển đổi theo cơ chế mới vẫn chưa thay đổi lương, dẫn đến nhiều môi giới nản và bỏ việc.
Tại một CTCK lớn khác, chỉ trong nửa cuối năm 2019, có hơn 200 môi giới nghỉ việc, giảm 1/3 số lượng đầu năm. Một số môi giới cứng chuyển sang các CTCK khác có cơ chế lương thưởng tốt hơn kéo theo các khách hàng VIP mà mình có quan hệ, một số rời ngành hoặc chuyển sang làm phân tích.
Cuộc đua trong nội bộ các CTCK năm 2019 là rất khốc liệt.
Công nghệ không thể thay thế được môi giới
Nhiều người cho rằng trong tương lai gần nghề môi giới chứng khoán có thể bị xóa xổ khi các CTCK áp dụng công nghệ có thể tư vấn tự động cho khách hàng. Tuy nhiên khi trao đổi với Tổng giám đốc một CTCK, vị này cho rằng điều này sẽ không xảy ra.
"Công nghệ không thể thay thế được con người, vẫn sẽ có các khách hàng muốn sử dụng môi giới – có tính phí – và các môi giới này đóng vai trò tư vấn nhiều hơn là vai trò môi giới đặt lệnh hay đua lệnh như trước".
Tại CTCK HSC, hiện nay công ty này không công khai các báo cáo phân tích trên website như trước. Các môi giới sẽ gửi riêng báo cáo cho khách hàng, và thừa nhận chỉ có các khách hàng của riêng HSC mới được sử dụng các báo cáo của bộ phận phân tích công ty này, như một lợi thế giữ chân khách hàng.
Trong khi đó, ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc CTCK Bảo Việt (BVSC) đã từng nhận xét về câu chuyện phí 0 đồng rằng, đã có một số CTCK miễn phí giao dịch cho khách hàng, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh. Nhưng ở một góc độ khác, việc bỏ phí sàn là điểm tốt, các CTCK sẽ chú trọng hơn nâng cao chất lượng tư vấn nhà đầu tư, câu chuyện này gây áp lực cho các CTCK nội phải nâng cao chất lượng tư vấn hơn nữa.
Ông Hòa cũng cho rằng, không phải câu chuyện phí 0 đồng, mà điều quan ngại là sự xuất hiện của các CTCK Hàn Quốc đã làm thay đổi cục diện cạnh tranh của các CTCK. Các CTCK ngoại cung cấp margin với giá vốn rất thấp, lãi suất chỉ 8-9% cạnh tranh mạnh mẽ với CTCK nội, làm thay đổi miếng bánh của thị trường môi giới cổ phiếu.
Doanh thu cho vay và phải thu margin của Mirae Asset đạt 575 tỷ đồng, tăng 171% năm trước, chỉ đứng sau SSI (678 tỷ đồng). Cá biệt, doanh thu cho vay margin của Mirae Asset gấp 4 lần doanh thu môi giới, của SHS gấp hơn 3 lần doanh thu môi giới, FPTS mặc dù doanh thu môi giới giảm 42%, doanh thu cho vay margin gấp đôi doanh thu môi giới.
Dù sao, nhìn giá trị giao dịch giảm 30% trong năm qua cũng thấy năm nay đúng là một năm buồn của nghề môi giới chứng khoán!