Cứ mỗi dịp cuối năm, cận Tết Nguyên Đán, nhu cầu tiền mặt của cá nhân, doanh nghiệp lại tăng mạnh. Người dân thì cần tiền để chi tiêu mua sắm còn doanh nghiệp cũng cần lượng lớn tiền mặt để trả lương, thưởng cho nhân viên. Bởi vậy, hình ảnh người dân xếp hàng dài trước các cây ATM ngân hàng để rút tiền những ngày cận Tết đã là hình ảnh đã rất quen thuộc bao năm qua. Đặc biệt, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất nơi tập trung nhiều công nhân, người lao động, hiện tượng xếp hàng chờ rút tiền rất phổ biến.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn số 8751/NHNN-TT về công tác thanh toán trong thời gian quyết toán năm 2022.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể về hoạt động ATM dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán năm 2022 (bao gồn kế hoạch tiền mặt cho ATM, tiếp quỹ ATM, nhân sự cho ATM, bảo trì, bảo dưỡng ATM ...); giám sát chặt chẽ để phát hiện và tiếp quỹ kịp thời đối với các ATM hết tiền; có biện pháp xử lý, ứng phó kịp thời các sự cố, tình huống phát sinh đảm bảo hệ thống ATM hoạt động an toàn, thông suốt (đặc biệt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư có nhu cầu rút tiền mặt lớn ); hỗ trợ, giải quyết kịp thời các vướng mắc của khách hàng trong quá trình giao dịch qua ATM, ưu tiên xử lý nhanh chóng đối với các trường hợp ATM nuốt thẻ.
Nhu cầu sử dụng tiền sẽ tăng cao dịp cuối năm nhưng việc rút tiền mặt được nhiều chuyên gia dự báo sẽ không nhiều như những năm trước. Thói quen thanh toán của người dân đã thay đổi mạnh mẽ trong 2 năm gần đây, chuyển sang thanh toán không tiền mặt. Không chỉ khu vực thành thị mà ở khu vực nông thôn, nhiều người cũng đã dần quen với các hình thức thanh toán như quét mã QR, ví điện tử, chuyển tiền qua mobile banking,...
Ngoài ra, mới đây, 3 nhà mạng viễn thông lớn đã triển khai Mobile Money rộng khắp, cho phép người dùng có thể chuyển tiền, thanh toán mà không cần kết nối Internet, cũng không cần có tài khoản ngân hàng, phù hợp với địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp nên nhiều người cũng chọn mua hàng trực tuyến (online), vận chuyển đến tận nhà thay vì mua trực tiếp. Từ đó, người dân không cần thiết phải rút tiền mặt từ ATM, mà sử dụng thẻ, ví điện tử, ngân hàng số để thanh toán mua hàng trên mạng.
Trên thực tế, nhu cầu rút tiền mặt hàng ngày hiện nay cũng đã giảm đáng kể. Theo Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), từ đầu năm đến nay, tổng số lượng và giá trị giao dịch xử lý hệ thống liên ngân hàng qua NAPAS tăng tương ứng 94% và 131%. Số lượng khách hàng tham gia giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt cũng tăng 80% so với năm 2020. Tỷ trọng các giao dịch rút tiền mặt qua ATM trên tổng giao dịch xử lý qua hệ thống NAPAS đã giảm mạnh từ 26% năm 2020 xuống mức 12% năm 2021, phản ánh sự chuyển dịch và phát triển mạnh mẽ của thanh toán không dùng tiền mặt.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng đã Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, mục tiêu đến cuối năm 2025 giá trị thanh toán không dùng tiền mặt sẽ gấp 25 lần GDP; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân; tăng số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 450.000 điểm.
Đề án cũng đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20-25%/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50-80%/năm và giá trị giao dịch đạt 80-100%/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân số lượng và giá trị giao dịch qua kênh Internet đạt 35-40%/năm; tỉ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%.