Bà Huân cho biết, doanh nghiệp này 15 năm tham gia chương trình Bình ổn thị trường của TP.HCM, ngay từ những ngày đầu đến nay. Thế nhưng việc kết nối, đưa hàng hóa vào các KCN, KCX và các trường học, bếp ăn tập thể… là rất khó, nếu không muốn nói là không thể.
Theo bà Huân, ở vai trò là doanh nghiệp, không đơn vị nào không muốn mở rộng kinh doanh đến các KCN, KCX đông dân cư… để phục vụ bà con. Tuy nhiên, doanh nghiệp có vào được hay không lại là chuyện khác.
Gắn bó với chương trình Bình ổn thị trường hơn 15 năm qua, nhưng bà chủ doanh nghiệp Ba Huân cho rằng vẫn gặp khó khăn trong mở rộng kênh phân phối. Ảnh: Thuận Hải.
“Ba Huân 15 năm thay đổi từ công nghệ xử lý trứng đến quy trình chăn nuôi, với mục tiêu vì ngành nông nghiệp và để người tiêu dùng có thể tiếp cận nguồn thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, rất nhiều rào cản ngăn cách chúng tôi trong việc đưa sản phẩm đến người tiêu dùng.
Tôi nói thẳng, các KCN, KCX hay các bếp ăn tập thể ở các trường học… đều đã có mắt xích sẵn của họ, có chân rết từ các nguồn cung cấp bên ngoài. Họ mua hàng trôi nổi bên ngoài, thậm chí mua hàng từ các chợ chiều để chế biến cho công nhân ăn. Họ không chịu mua hàng của chúng tôi!”, bà Huân thẳng thắn cho ý kiến với lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM và các sở ngành liên quan.
Bà nói, có thời gian bà lặn lội đi khắp nơi, xuống tận KCN Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) để chào hàng nhưng không ai chịu mua. Sáng sớm Ba Huân chở hàng xuống bán, chiều chở về, nhưng chỉ bán được 500.000 đồng, đủ tiền thuê 1 anh tài xế lái chiếc xe hơn 2 tỷ đồng đi bán trứng.
Doanh nghiệp cũng cho rằng, các chương trình bán hàng lưu động cho công nhân chưa thực sự phong phú.
Đồng quan điểm với bà Ba Huân, ông Ưng Thế Lãm, đại diện Nông gia trang, một đơn vị cung cấp rau sạch trong chương trình Bình ổn thị trường TP.HCM, cho rằng sau quá trình tham gia chương trình kết nối hàng hóa vào các trường học, bếp ăn tập thể… ông nhận thấy việc kết nối này rất khó khăn.
“Vấn đề chung chi cho các bếp trưởng là có thật và tỷ lệ chung chi là khoảng 20 – 30%. Còn lại, doanh nghiệp phải tự cân đối để có lãi khi bán hàng vào các kênh này. Tuy nhiên, nếu làm thực phẩm sạch, với tỷ lệ chung chi như trên thì doanh nghiệp không thể làm được, vì không đủ vốn”, ông Lãm cho biết.
Ông Lãm tiếp lời: “Đôi lúc tôi hỏi bếp trưởng rằng thực phẩm trôi nổi, không an toàn vậy, làm sao ăn? Có bếp trưởng bảo rằng nhà bếp không bao giờ ăn, chỉ để bán cho công nhân, học sinh mà thôi…”.
Do đó, ông Lãm đề xuất Sở NNPTNT yêu cầu các bếp ăn tập thể, các cơ sở cung cấp suất ăn cho trường học… phải có giấy chứng nhận VietGAP hay chứng minh nguyên liệu thực phẩm mua vào đảm bảo ATTP. Từ đó, việc thu mua hàng hóa trôi nổi bên ngoài vào các bếp ăn tập thể, căntin trường học hay tại các KCN, KCX sẽ giảm hơn.
Một điểm bán hàng bình ổn giá tại siêu thị Co.opMart.
Đại diện Ban Quản lý các KCX, KCN TP.HCM (HEPZA) cho rằng các chương trình bán hàng lưu động cho công nhân còn đơn giản, hàng hóa sơ sài như nước mắm, nước tương, bánh kẹo, một số thực phẩm khô… trong khi nhu cầu về thực phẩm tươi sống rất lớn.
Trước đây, có một số doanh nghiệp đóng gói thịt gà, thịt heo… vào những túi nhỏ để bán cho công nhân và bán rất chạy. Nhưng nay không còn nữa. Trong năm 2017, HEPZA cũng tổ chức một số chương trình Phiên chợ công nhân, nhưng đã xảy ra tình trạng một số doanh nghiệp tư nhân liên kết với địa phương để bán hàng không chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc cho công nhân…
Ông Nguyễn Nguyên Phương – Trưởng phòng Thương mại, Sở Công thương TP.HCM, cho rằng trong những năm qua, chương trình kết nối hàng hóa vào các bếp ăn, trường học… được các cơ quan chức năng rất quan tâm, hỗ trợ. Tuy nhiên, kết quả mang lại chưa như mong đợi.
Nguyên nhân là một số lãnh đạo trường học cho rằng, đây là môi trường giáo dục, không nên để chuyện kinh doanh, buôn bán ảnh hưởng, trong khi đó, các bếp ăn tại các KCN, KCX thì lại có sẵn nguồn hàng.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Huỳnh Trang – Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho rằng, Sở Công thương sẽ sắp xếp một buổi làm việc riêng với các sở, ngành, cùng xem xét đưa ra giải pháp và kiến nghị UBND TP.HCM có biện pháp chỉ đạo cụ thể, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển mạng lưới phân phối cũng như đưa hàng đến tận tay người tiêu dùng với giá ưu đãi.
Sở Công thương TP.HCM cho biết, Chương trình Bình ổn thị trường năm 2017 thực hiện từ ngày 1.4.2017 đến 31.3.2018 theo hướng xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách. 88 doanh nghiệp tham gia chương trình với tổng lượng hàng thực hiện tăng bình quân từ 30 – 35% so với kết quả năm 2016. Cụ thể, các mặt hàng lương thực, thực phẩm chiếm khoảng 25 – 30% nhu cầu thị trường các tháng thường và 30 – 40% nhu cầu tháng tết, mặt hàng sữa chiếm từ 30 – 35% nhu cầu thị trường, nhóm các mặt hàng dược phẩm chiếm 50% thị phần các nhóm thuốc thiết yếu… |