“Một số ý kiến cho rằng chúng ta đang giải cứu người giàu, nhưng không phải vậy. Hiện nay bất động sản chiếm trên dưới 10% tổng giá trị nền kinh tế. Việc gỡ khó cho một ngành quan trọng đi kèm bao nhiêu ngành khác là việc nên làm, mở đường sống cho doanh nghiệp để họ tiếp tục phát triển, kéo cày trả nợ”, ông Phạm Đức Toản - Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ chia sẻ trong chương trình Landshow của VTV Money với chủ đề “Gỡ khó cho thị trường bất động sản”.
Ông Toản cho biết đã hơn 10 năm thị trường bất động sản mới khó khăn như hiện nay. So sánh với cuộc khủng hoảng giai đoạn 2011-2012, ông chỉ ra điểm chung là đều không có giao dịch, nhưng khác biệt nằm ở chỗ sản phẩm trên thị trường giờ đây cũng rất ít, tức là “tắc” cả cung và cầu. Bên cạnh đó, một điểm giống nhau nữa là lãi suất cao.
Ông Trịnh Duy Hà - Phó Tổng giám đốc Tân Long Land trình bày hai khó khăn lớn nhất đối với các chủ đầu tư bất động sản hiện nay là nguồn vốn và pháp lý, cụ thể là thời gian để ra được dự án.
“Từ khi nghiên cứu một dự án đến lúc có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư và đầy đủ điều kiện pháp lý để ra được hàng, trung bình mất 3-5 năm, tùy vào quy mô dự án. Đối với một số trường hợp đặc biệt liên quan đến giải phóng mặt bằng hay đền bù tái định cư, tôi chứng kiến có những dự án mất tới cả một chu kỳ, tức là 10-12 năm mới ra được hàng. Do thời gian lâu như vậy, doanh nghiệp lại phải huy động vốn, làm đẩy chi phí đầu vào, dẫn đến giá bất động sản tăng”, ông Hà giải thích.
Tại Hội nghị tín dụng bất động sản do Ngân hàng Nhà nước tổ chức gần đây, khá nhiều doanh nghiệp đề xuất cơ cấu lại nợ, không chuyển nhóm nợ, giãn nợ trong vòng 24-26 tháng. Lý do là doanh nghiệp chậm thanh toán sẽ bị chuyển sang nhóm nợ quá hạn, đồng nghĩa với khả năng bị hạn chế tiếp cận vốn hơn.
Ông Toản đánh giá đây là những đề xuất rất thực tế, đặc biệt đối với các doanh nghiệp đang dùng đòn bẩy, bao gồm vay ngân hàng và phát hành trái phiếu.
“Đến thời hạn rồi mà dòng tiền gần như không còn, không bán được hàng, các nguồn huy động không có. Bất cứ doanh nghiệp nào rơi vào tình trạng đó đều phải tính đến bài toán cơ cấu lại nợ”.
“Đây là một chính sách lớn mà tôi nghĩ Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ cần sớm nghiên cứu, để tránh viễn cảnh đổ vỡ dây chuyền. Tới lúc đó, không chỉ một doanh nghiệp bị ảnh hưởng, mà còn tác động đến ngân hàng, người mua nhà, đặc biệt là ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường và nền kinh tế”, ông Toản đề xuất.
Đồng tình với ông Toản, ông Hà cũng nêu lý do việc gỡ khó cho bất động sản là rất cần thiết. Ông cho biết theo thống kê, bất động sản ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến 50 ngành trong nền kinh tế.
“Như chúng ta rất dễ nhận ra, ngân hàng cũng là ngành quan hệ mật thiết với bất động sản, hoặc các đơn vị xây dựng, sản xuất vật liệu. Bất động sản thực sự chiếm vai trò rất quan trọng. Chúng ta có thể nhìn sang Trung Quốc. Chính phủ nước này đang rất nỗ lực giải cứu bất động sản, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, ông Hà nêu quan điểm.
Mặc dù vậy, có luồng ý kiến khá đối lập rằng không thể đưa ngân sách ra giải cứu thị trường vào thời điểm này, không nên đổ hết trách nhiệm lên vai Ngân hàng Nhà nước, bởi họ phải đảm bảo an toàn hệ thống và tránh nợ xấu gia tăng.
Đáp lại, ông Toản nhận định ý kiến này chưa hẳn chính xác. “Chúng ta không bỏ ngân sách ra để giải cứu bất cứ ai, mà chỉ đề xuất các ngân hàng giãn nợ, đồng thời hỗ trợ một phần lãi suất để giải quyết khó khăn trước mắt của doanh nghiệp”, ông giải thích.
“Theo tôi, nên phân loại các doanh nghiệp và tài sản có chất lượng. Một doanh nghiệp đã quá yếu không nên giải cứu, dành nguồn lực cho những thành phần tốt hơn. Giống như một cây gỗ đã mục, chúng ta chấp nhận đẽo đi, chọn phần gỗ tốt hơn để sử dụng”.
“Ngoài ra, tôi nghĩ việc giải cứu bất động sản giải quyết được nhiều vấn đề khó khăn của nền kinh tế nói chung. Khi không có phương án hỗ trợ khách hàng và doanh nghiệp thì lập tức có nợ xấu. Đó mới là nợ xấu. Việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển lại, có thời gian thực hiện dự án và trả nợ mới giúp giải quyết nợ xấu”, ông Toản nêu ý kiến.