Ông đánh giá thế nào về việc theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay? Liệu việc này đã thực chất chưa hay vẫn còn mang tính "khẩu hiệu"?
Theo tôi, sự chú ý của các doanh nghiệp dành cho phát triển bền vững chưa nhiều, hoặc chưa toàn diện. Phát triển bền vững vẫn đang chỉ dừng ở mức độ được nhà nước khuyến khích, chứ không bắt buộc. Do đó, phát triển bền vững phụ thuộc vào khả năng, định hướng riêng của doanh nghiệp, và cả cái tâm của lãnh đạo doanh nghiệp đó.
Việc đánh giá một doanh nghiệp có phát triển bền vững hay không dựa theo những tiêu chí nào?
Theo tôi, có ba tiêu chí. Tiêu chí thứ nhất là đóng góp của doanh nghiệp vào tăng trưởng bền vững của chính nền kinh tế. Thứ hai là đóng góp của họ cho sự phát triển bền vững của xã hội. Cuối cùng là các hoạt động bảo vệ môi trường.
Theo ông, cái khó của doanh nghiệp khi theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững là gì?
Để có thể phát triển bền vững, doanh nghiệp phải cân nhắc rất nhiều khía cạnh như tài chính, nguồn lực, tầm nhìn. Theo đuổi mục tiêu này, doanh nghiệp phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức và nguồn lực vào các mục tiêu phi tài chính, liên quan đến môi trường và xã hội. Hiển nhiên, điều này sẽ làm giảm lợi nhuận của họ.
Cái khó thứ hai là về vấn đề môi trường. Không riêng gì ngành công nghiệp giấy như chúng tôi, mà tôi nghĩ hoạt động sản xuất kinh doanh nào cũng ảnh hưởng đến môi trường. Nếu đòi hỏi hoạt động sản xuất hoàn toàn không ảnh hưởng môi trường thì chắc chẳng có hoạt động kinh tế nào xảy ra. Vấn đề quan trọng là doanh nghiệp xử lý ô nhiễm ra sao thôi.
Người tiêu dùng đóng vai trò gì trong việc tạo ra một nền kinh tế bền vững thưa ông?
Tôi thấy người tiêu dùng Việt Nam ngày nay ngày càng quan tâm nhiều hơn tới môi trường. Thậm chí họ cũng sẵn sàng trả nhiều hơn cho một sản phẩm cam kết hạn chế tác động đến môi trường. Ngược lại, họ cũng sẽ tẩy chay những doanh nghiệp gây ô nhiễm hoặc có những hoạt động ảnh hưởng đến môi trường.
Do đó, họ chính là động lực thúc đẩy doanh nghiệp chú trọng hơn đến mục tiêu phát triển bền vững. Đòi hỏi của người tiêu dùng là hoàn toàn chính đáng, họ sẽ cho chúng ta biết doanh nghiệp nên làm gì và phải làm gì để phát triển lâu dài.
Chất lượng nguồn nhân lực có ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp hay không?
Việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ phục vụ riêng doanh nghiệp mà còn đáp ứng các tiêu chuẩn lao động trong thời đại công nghệ. Vì để phát triển bền vững, doanh nghiệp phải đầu tư hệ thống máy móc hiện đại hơn, và việc vận hành một nhà máy hiện đại thì không phải việc đơn giản. Bản thân chúng tôi cũng đã phải đầu tư rất lớn vào đào tạo để sử dụng tối đa nguồn nhân lực địa phương.
Theo ông, phát triển bền vững có phải lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp hay không? Doanh nghiệp cần có chiến lược thế nào?
Chinh phục khách hàng bằng sản phẩm là một chuyện, mà còn phải có tâm mới có thể cạnh tranh. Phát triển bền vững chính là hướng đi đúng đắn. Lợi nhuận có thể dễ dàng đạt được trong ngắn hạn nhưng uy tín với cộng đồng mới là mục tiêu lâu dài, cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng và sẵn sàng đầu tư ngay khi cần thiết.
Doanh nghiệp cần cân đối giữa các khía cạnh như tài chính, nguồn lực, tầm nhìn; hướng tới đổi mới sáng tạo để áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường. Mặt khác, cần phải truyền tình thân phát triển bền vững với chính công nhân viên để họ quyết tâm thực hiện mục tiêu này và xây dựng hình ảnh phát triển bền vững cho chính doanh nghiệp.