Ngày 10/4 đã diễn ra ĐHCĐ thường niên năm 2021 của CTCK MB (MBS). Đại hội đã thông qua các báo cáo của HĐQT, Ban Kiểm soát, Ban Điều hành về kết quả hoạt động năm 2020 và kế hoạch hoạt động năm 2021 cùng nhiều nội dung quan trọng khác.
Điểm lại kết quả hoạt động năm 2020, MBS đạt 336 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, là mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây (tăng trưởng 16% so với năm 2019, vượt 68% so với kế hoạch ĐHCĐ giao). Bên cạnh đó, MBS đã giữ vị trí Top 6 thị phần tại HOSE, Top 7 thị phần tại HNX, Top 3 thị phần Upcom và Top 4 thị phần phái sinh.
MBS cũng từng bước chuyển đổi số hoạt động môi giới, sắp xếp tổ chức hoạt động tại các chi nhánh phù hợp, hiệu quả; Hoạt động dịch vụ ngân hàng đầu tư có nhiều khởi sắc, nằm trong Top 3 các công ty chứng khoán có doanh thu tư vấn tài chính cao nhất thị trường.
Kế hoạch lợi nhuận năm 2021 tăng trưởng 43%, ước lãi quý 1 đạt 125 tỷ đồng
Tại đại hội, MBS đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021 với chỉ tiêu tổng doanh thu 1.500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 480 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 34% và 43% so với thực hiện năm trước. Duy trì ROE tối thiểu 15%, nằm trong top 5 thị phần môi giới và top 3 thị phần IB trên thị trường.
Về giải pháp thực hiện kế hoạch kinh doanh, đối với hoạt động môi giới, MBS sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, khai tác tệp khách hàng trong hệ sinh thái tập đoàn, thúc đẩy kinh doanh số, tối ưu quy trình, tăng cường bán chéo nội bộ và trong tập đoàn.
Với hoạt động IB, MBS sẽ thúc đẩy bán chéo tập đoàn, phát triển nhóm tư vấn M&A, thúc đẩy tư vấn DCM, ECM nhằm tạo giá trị chuỗi cho hoạt động môi giới, tổ hợp đầu tư và phân phối trái phiếu.
Nhằm tạo động lực cho CBNV với mục tiêu hoàn thành và vượt kế hoạch, MBS đã thông qua phê duyệt việc thưởng vượt kế hoạch cho cán bộ nhân viên với mức 20% phần vượt kế hoạch lợi nhuận sau thuế.
Về kết quả kinh doanh quý 1, lãnh đạo MBS cho biết lợi nhuận ước đạt 125 tỷ đồng. Với việc thực hiện tăng vốn trong năm nay, lãnh đạo công ty tự tin KQKD sẽ còn nhiều khởi sắc.
Tăng vốn lên 2.676 tỷ đồng, bổ sung 550 tỷ đồng cho hoạt động kinh doanh margin
Tại đại hội, MBS đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 1.643 tỷ đồng lên 2.676 tỷ đồng, tương đương phát hành thêm 103,29 triệu cổ phiếu.
Trong đó, MBS sẽ phát hành ESOP gần 8,22 triệu cổ phiếu cho cán bộ nhân viên, chào bán 70,42 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 7:3) cùng với mức giá 10.000 đồng/cp. Ngoài ra, MBS sẽ phát hành 24,65 triệu cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông (tỷ lệ 20:3).
Số tiền MBS thu được từ đợt phát hành ESOP và chào bán cho cổ đông hiện hữu là 786,4 tỷ đồng. Công ty dự kiến dùng 136,4 tỷ đồng bổ sung nguồn lực tài chính cho hoạt động đầu tư; Bổ sung 550 tỷ đồng cho hoạt động kinh doanh margin và đầu tư 100 tỷ đồng phát triển nền tảng công nghệ thông tin.
Ngoài ra, Đại hội năm nay cũng tổ chức bầu bổ sung 1 thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2018 – 2023 thay thế cho Bà Nguyễn Kim Chung – Trưởng Ban kiểm soát MBS xin từ nhiệm. Thành viên được bầu thay thế do Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đề cử là bà Phạm Thị Hoa – Phó Giám đốc Khối Kiểm tra Kiểm soát nội bộ của MB.
Thị phần môi giới thời gian qua tương đối "ảo"
Ông Trần Hải Hà, TGĐ MBS cho biết với việc golive app mới, kết hợp eKYC (định danh điện tử), MBS sẽ có khả năng thu hút thêm tệp khách hàng lớn hơn, đặc biệt từ tập đoàn MB. Hiện MB có khoảng 3 triệu tài khoản active và nếu lấy được hết lượng khách hàng này, MBS sẽ trở thành CTCK có lượng khách hàng lớn nhất Việt Nam.
Về câu hỏi làm thế nào để gia tăng thị phần trước áp lực cạnh tranh? Theo ông Trần Hải Hà, từ năm 2018 tới nay, TTCK Việt Nam đã có sự cạnh tranh gay gắt về thị phần môi giới khi xuất hiện nhiều CTCK nước ngoài, đặc biệt các CTCK Hàn Quốc với tiềm lực tài chính hùng mạnh. Bên cạnh đó, các CTCK tư nhân trong nước cũng vươn lên mạnh mẽ với những chính sách ưu đãi phí giao dịch, margin để lôi kéo khách hàng.
Dù vậy, ông Hà cho rằng thị phần môi giới thời gian qua tương đối "ảo", không phản ánh hết giá trị, sức mạnh của các CTCK.
Ông Hà cho biết MBS sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, gia tăng trải nghiệm cho khách hàng. Với việc thực hiện tăng vốn, MBS sẽ có thêm nguồn lực cung cấp các dịch vụ cho khách hàng. Bên cạnh đó, MBS cũng đẩy mạnh các mảnh kinh doanh lõi, đẩy mạnh chất lượng tư vấn để giành lại thị phần.
TGĐ MBS cũng nhấn mạnh sẽ không cạnh tranh bằng mọi giá, phải cân bằng giữa lợi ích khách hàng và hiệu quả kinh doanh. Do đó, việc chạy theo các CTCK đối thủ để giảm phí, lãi sẽ không diễn ra. Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp cùng việc ký kết hợp đồng tư vấn với đối tác hàng đầu thế giới BCG, lãnh đạo MBS tự tin sẽ nằm trong nhóm top đầu thị phần môi giới.
Về đối tác chiến lược, MBS vẫn đang trong quá trình tìm kiếm và sẽ báo cáo cho cổ đông khi có những thông tin mới.