Giữa năm 2022, nhân sự cấp cao của Tập đoàn Viettel tại Campuchia có sự thay đổi khi ông Phùng Văn Cường về nước và được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc của Viettel Global còn ông Cao Mạnh Đức (trước đó là Phó TGĐ) trở thành Tổng giám đốc Metfone.
Mặc dù tiếp tục đối mặt với những khó khăn từ ngoại cảnh, Metfone vẫn đạt được kết quả kinh doanh xuất sắc và giành nhiều giải thưởng quốc tế cho những đột phá trong hoạt động.
Nhìn lại năm 2022, ông Cao Mạnh Đức cho biết: “Điều tôi tự hào nhất và muốn chia sẻ là cán bộ công nhân viên Metfone luôn đoàn kết xây dựng sức mạnh tập thể để tạo nên kết quả thành công chung của toàn công ty, trên mặt trận kinh doanh cũng như các hoạt động xã hội”.
NHỮNG ĐỘT PHÁ MỚI CỦA DOANH NGHIỆP SỐ 1
Năm 2022, lần đầu tiên Metfone tăng trưởng vượt trội so với các nhà cung cấp khác ở mảng cố định băng rộng. Nguyên nhân nào dẫn tới kết quả đột phá đó?
Tại Campuchia, chúng tôi luôn cố gắng nâng cao giá trị cốt lõi trong kinh doanh, cam kết các hoạt động đầu tư của mình mang đến lợi ích cho đất nước và con người ở đây.
Ngay từ ngày đầu cung cấp dịch vụ Internet và khi bắt đầu với 3G, chúng tôi đã xây dựng cơ sở hạ tầng rất mạnh. Nhưng để có chất lượng tốt hơn, tốc độ cao hơn, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Chính phủ, Bộ ngành thì dịch vụ chúng tôi hướng đến là cố định băng rộng.
2022 là năm đột phá về cố định băng rộng FTTH (cáp quang) của Metfone. Cả thị trường phát triển được 120.000 - 130.000 thuê bao thì số thuê bao Metfone đạt được là 100.000 thuê bao và đặc biệt là ISP vươn lên chiếm thị phần lớn nhất. Chính nhờ sự thay đổi đột phá về FTTH mà Metfone được vinh danh là nhà cung cấp dịch vụ Internet tốt nhất Campuchia 2022.
Bên cạnh đó, có 2 yếu tố mà khách hàng nhận thấy ở Metfone, cũng là điều mà chúng tôi luôn tâm đắc khi điều hành, đó là phục vụ khách hàng “tốt nhất” và “chất lượng nhất”. Đó luôn là xương sống để chúng tôi thuyết phục khách hàng sử dụng dịch vụ của mình.
Nghe nói sắp tới các ông sẽ đưa cả cố định băng rộng lên CamID, một siêu ứng dụng mà Metfone phát triển. Được biết CamID là siêu ứng dụng đầu tiên sử dụng khái niệm hộ chiếu kỹ thuật số. Nó có thể tạo ra những trải nghiệm mới mẻ ra sao, hoặc mở ra bức tranh tương lai số có gì thú vị?
Ở Campuchia, CamID là siêu ứng dụng (super app) đầu tiên có trên 1 triệu người dùng, cung cấp dịch vụ theo concept đa chức năng, không chỉ giải trí mà còn gồm nhiều tính năng phục vụ cho nhu cầu cá nhân khác.
Hiện tại, trên CamID, khách hàng có thể xem phim, chơi game, theo dõi tình trạng tài khoản thuê bao, tra cứu các gói cước và dịch vụ viễn thông của Metfone. Kể cả dịch vụ cố định băng rộng cũng được đưa lên, trở thành một kênh giao tiếp giữa khách hàng và các nhà mạng.
Trong thời gian tới, chúng tôi kỳ vọng tích hợp thêm nhiều ứng dụng trên CamID như tài chính số và thương mại điện tử. Và khi mỗi người dùng là một ID gắn với số điện thoại sử dụng app CamID, nó giống như mỗi người dân có một mã định danh, một hộ chiếu kỹ thuật số. Theo đó, mỗi người chỉ cần cài một app CamID là đáp ứng được tất cả các nhu cầu.
“CHÚNG TÔI MUỐN MANG NHỮNG ĐIỀU TỐT ĐẸP NHẤT ĐẾN CHO NGƯỜI DÂN CAMPUCHIA”
Viettel Cambodia năm nay là thị trường nước ngoài đầu tiên của Viettel nhận được nút vàng từ YouTube. Mục tiêu với kênh youtube này là gì?
Trong thời đại số, cách truyền thông đến khách hàng, tạo dựng thương hiệu tốt nhất là trên môi trường số. Trên môi trường đó, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến Youtube và Tiktok. Kênh Tiktok của Metfone mới phát triển, còn kênh Youtube thì phát triển lâu rồi.
Trong năm qua, chúng tôi sản xuất hàng loạt chương trình trên các kênh này, không chỉ truyền thông các hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn làm rất nhiều nội dung phù hợp với văn hóa của khách hàng như Chương trình “Path of Dharma – Con đường Phật pháp”, tường thuật trực tiếp các chương trình truyền hình thực tế như “It’s not a Dream”.
Tại một đất nước mà phần lớn người dân theo đạo Phật thì việc truyền tải các thông tin qua hình thức như Path of Dharma rất phù hợp với nhu cầu của họ.
Chúng tôi mong muốn kênh truyền thông của Metfone trở thành một cộng đồng phục vụ các nhu cầu văn hóa của người dân Campuchia, tạo nên những điều tốt đẹp hơn.
Khi ông nói đến việc tạo nên những điều tốt đẹp cho người dân thì tôi cũng nhớ đến triết lý “Sáng tạo vì con người” của Viettel. Cá nhân ông suy nghĩ gì về triết lý này? Với Metfone, có thể thấy nó được thể hiện như thế nào?
Đó là triết lý kinh doanh của Viettel từ ngày đầu đến giờ. Cá nhân tôi làm ở Viettel 17 năm, tương đối ngấm. Khi bước chân sang Campuchia, Viettel vẫn mang theo triết lý “Sáng tạo vì con người”.
Ngay từ những ngày đầu, chúng tôi đã xác định rất rõ: Phải mang những gì tốt đẹp nhất đến cho người dân Campuchia. Chúng tôi phải luôn nỗ lực, sáng tạo vì con người của đất nước này thông qua các sản phẩm dịch vụ, các hoạt động cộng đồng.
Có thể tự hào về các nỗ lực của chúng tôi cho y tế, giáo dục và sự phát triển tại các vùng sâu vùng xa mà nếu xét theo góc độ kinh doanh thì không có ai đến đó cả.
Có bao giờ ông được một người không phải là đối tác hay nhân viên bày tỏ sự khen ngợi với chất lượng dịch vụ của Metfone, hoặc được nghe chia sẻ về điều tốt đẹp nào đó mà dịch vụ của Metfone tạo ra cho cuộc sống của họ?
Rất nhiều. Campuchia là đất nước khác Việt Nam, diện tích rộng và người dân ở thưa thớt, đặc biệt là các vùng sâu vùng xa, rất nhiều vùng chưa có điện lưới. Người dân giao lưu, sinh hoạt, giao thương rất khó khăn vất vả.
Xét về khía cạnh kinh doanh, tôi nghĩ rằng không có doanh nghiệp nào đến đây đầu tư, đặc biệt là doanh nghiệp viễn thông vì chắc chắn lỗ. Nhưng Metfone thì khác.
Vẫn với tinh thần Viettel “sáng tạo vì con người”, chúng tôi đã đưa các dịch vụ đến những nơi mà người dân ở đấy từng nghĩ rằng phải rất, rất lâu nữa, họ mới được sử dụng, giống như tại các đô thị vậy.
Tôi hiểu rằng, khi họ chia sẻ với tôi như vậy, họ đang bày tỏ niềm hạnh phúc.
Về phía các doanh nghiệp muốn đến đầu tư ở các vùng sâu vùng xa này, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, nếu không có sóng di động thì rất khó khăn. Chúng tôi cũng là những người tiên phong để đi hỗ trợ cho các đơn vị, các doanh nghiệp, cho những người công nhân… để cùng chung tay phát triển kinh tế địa phương.
Có khi nào các ông phải cân nhắc thêm bớt giữa trách nhiệm kinh doanh của doanh nghiệp với trách nhiệm xã hội hay không?
Tại Metfone, mà nói đúng hơn là tại Viettel, chúng tôi luôn có tinh thần “cho trước, nhận lại sau”. Chúng tôi thực hiện đầu tư trước và sẽ thu lại sau. Mà ở những vùng sâu vùng xa, vùng đất nghèo như vậy, những gì chúng tôi thu lại bao gồm cả hạnh phúc của người dân.
Khi chúng tôi làm được những điều có ích cho cuộc sống của họ, để họ giao thương tốt hơn, phát triển cuộc sống kinh tế, người ta lại có điều kiện để sử dụng những dịch vụ của mình.
Đến lúc này, sau nhiều năm đầu tư xây dựng hạ tầng, phủ sóng dịch vụ đến các vùng đất khó khăn ấy ông thấy những điều mà các ông “nhận lại sau” đó có tương xứng không?
Tương xứng chứ!
Tôi luôn nói với mỗi CBCNV của Metfone thế này: Những người đi nước ngoài sẽ tự hào hơn những người trong nước vì mình ở đây không chỉ là đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, mà còn đóng góp cho những người dân tại chính đất nước sở tại.
Với việc kinh doanh tốt, Metfone luôn đứng trong Top 5 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Campuchia, góp phần phát triển kinh tế xã hội cho xứ chùa Tháp. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng góp sức vào gắn kết tình đoàn kết hữu nghị giữa Đảng, Nhà nước và quân dân hai nước.
‘ MUỐN CHIẾN LƯỢC TRỞ THÀNH DOANH NGHIỆP SỐ THÀNH CÔNG, CHIẾN LƯỢC NHÂN SỰ PHẢI THÀNH CÔNG ’
Chiến lược giai đoạn 2021 – 2025 của Metfone là chuyển dịch từ Công ty Viễn thông sang Công ty Viễn thông – Công nghệ Số. Thực hiện chiến lược này được 2 năm, theo ông, Metfone sẽ phải đối mặt với những vấn đề gì tiếp theo?
Ý định chuyển dịch cũng manh nha từ một số năm trước. Nhưng khi ra đời chiến lược 5 năm 2021-2025 mới cụ thể rõ ràng các lĩnh vực tập trung, chỉ ra các lộ trình thời gian, người phụ trách tương đối cụ thể.
Trong 2 năm qua chúng tôi bám theo chiến lược này để thực hiện. Tuy nhiên quá trình thực hiện cũng rất nhiều thách thức. Đặc biệt là lực lượng nhân sự nội bộ, những nhân sự có kỹ năng chuyên môn cao trong lĩnh vực mới còn thiếu, và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Thêm nữa, để chuyển đổi số thì phải đến từ 2 phía, một là từ phía doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, 2 là thị trường tức các doanh nghiệp và người dân Campuchia. Việc tiếp cận các dịch vụ số của doanh nghiệp và người dân Campuchia có chậm hơn so với các tính toán ban đầu nên chúng tôi gặp một chút khó khăn.
Tuy nhiên, kết thúc năm 2022, chúng tôi đã đánh giá lại thì thấy rằng: muốn thành công thì chiến lược nhân sự phải thành công. Do đó, chúng tôi đã chủ động phối hợp với các trường đại học, cơ sở giáo dục Campuchia để đặt hàng nhân sự những ngành mà chúng tôi cần, khi tốt nghiệp là chúng tôi mời về.
Thứ hai, chúng tôi tiếp cận và tuyển dụng những người Campuchia đi du học ở nước ngoài về làm, tài trợ học bổng cho những người Campuchia học giỏi nhưng có điều kiện khó khăn, sang Việt Nam để học rồi mời về làm. Tất nhiên, học về rồi nhưng khi đi làm thì công ty cũng phải chủ động tự đào tạo.
Chúng tôi đang cố gắng tập trung các giải pháp để năm 2025 hoàn thành nhiệm vụ đề ra. Tôi nghĩ rằng chuyển đổi số cũng sẽ phát triển rất nhanh tại Campuchia trong thời gian tới.
Tổng kết lại, trong 14 năm qua, điều gì khiến ông tự hào nhất về Metfone?
Tôi nghĩ là cá nhân tôi cũng như các thành viên Ban lãnh đạo của Metfone qua các thời kỳ luôn tự hào về sự thành công của dự án đầu tư sang Campuchia.
Kể cả những người đặt chân sang bên này triển khai dự án từ giai đoạn đầu, những người lạc quan nhất cũng khó nghĩ đến kết quả kinh doanh như ngày hôm nay. Nhưng tự hào nhất vẫn là việc Metfone giúp cho đất nước, con người Campuchia có một hạ tầng viễn thông vững chắc, giúp cho kinh tế xã hội phát triển tốt lên, giúp cho các cán bộ công nhân viên của Metfone có thu nhập ổn định.
Xin c ảm ơn ông!