Sáng ngày 25/4, CTCP Phân bón Miền Nam (SFG) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh và đầu tư Công ty trong năm 2017. Được biết, sau 1 năm 2017 tương đối không thuận lợi, Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty là ông Phùng Quang Hiệp phát biểu tại đại hội: "Trong thời buổi khó khăn như hiện nay, Công ty muốn đầu tư phải tính toán rất kỹ lưỡng, phải làm sao để có hiệu quả, đồng thời phải cân nhắc từng đồng".
Khi mà, thị trường phân bón trong năm nay dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn như tình trạng dư cung khi hàng loạt nhà máy sản xuất phân bón NPK lớn đi vào hoạt động, giá các loại phân nguyên liệu tăng cao trong khi giá NPK lại chưa cải thiện ngay sẽ ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của Công ty (thường có độ trễ tăng giá từ 3-5 tháng). Ngoài ra, tình trạng phân bón giả, kém chất lượng vẫn đang phát triển ồ ạt và chưa có chế tài xử lý chặt chẽ vấn nạn này.
Cảng Long Thành dự thu hồi vốn chỉ sau 1 năm vận hành!
Và với phương châm đó, năm 2018 SFG sẽ thực hiện 3 dự án trọng tâm, bao gồm:
(1) Triển khai các bước để xây dựng dây chuyền sản xuất NPK 150.000 tấn/năm tạo hạt tháp cao tại Nhà máy Super Phốt phát Long Thành, vốn dự kiến 180 tỷ đồng;
(2) Nâng cấp cảng Long Thành từ 5.000 tấn lên 10.000 tấn với vốn 6 tỷ đồng, hiện Công ty đã được chấp thuận và tiến hành đầu tư;
(3) Xây dựng nhà xưởng 3.500m2 tại Nhà máy Super Phốt phát Long Thành;
Cùng với đó, SFG cũng sẽ đầu tư sữa chữa lớn dây chuyền NPK tại Nhà máy Hiệp Phước.
Được biết, Công ty hiện đã bắt đầu đầu tư tại dự án Long Thành, với kỳ vọng sẽ mang về nhiều kết quả tương lai nhờ vào vị thế xây dựng, cũng như mục tiêu tiết giảm mạnh chi phí sản xuất. Trong đó, riêng công tác xây dựng nhà máy cũng như cầu cảng Long Thành, đây là dự án dự kiến được sử dụng nhập riêng nguyên liệu, mục tiêu mang về 160 tỷ/năm. Như vậy, với tổng đầu từ chỉ 6 tỷ đồng, khi đi vào vận hành ông Hiệp cho biết sẽ nhanh chóng thu hồi vốn, từ 1-1,5 năm. Hiện, dự án đã được triển khai, vào khoảng tháng 6 hoàn thành và sẽ được đưa vào vận hành ngay trong tháng 7/2018.
Nói là vậy, tuy nhiên khi được hỏi về lợi ích dự án mang lại, lãnh đạo SFG cho biết không có nhiều, chẳng qua chỉ là một cách nhập nguyên liệu tốt hơn hiện tại nhờ tiết kiệm được tầm 4-5 tỷ đồng.
Công ty cũng đầu tư dây chuyền NPK hạt tháp cao tại đây, với đặc điểm tối ưu hơn những sản phẩm hiện tại. Song, sản phẩm này sẽ bất lợi hơn về yếu tố bảo quản vận hành, Công ty mong muốn vị trí thuận lợi tại cảng Long Thành sẽ hỗ trợ giải quyết tồn tại này.
Năm 2018 kế hoạch thận trọng, muốn đầu tư mạnh cho nhân sự nhưng không làm ngay được!
Điểm lại năm 2017, doanh thu thuần sau kiểm toán của SFG đạt hơn 2.382 tỷ đồng, tăng nhẹ so năm 2016, lợi nhuận gộp ở mức 232 tỷ đồng. Theo đó, sau khi trừ các loại chi phí, SFG lãi ròng gần 92 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ so mức 91 tỷ của năm 2016.
Bước sang năm 2018, SFG đặt kế hoạch doanh thu tăng lên mức 2.650 tỷ đồng, còn lợi nhuận là 115 tỷ đồng, đồng thuận nhích nhẹ so với thực hiện năm 2017. Bên cạnh, các chỉ tiêu sản xuất và tiêu thụ khác gồm phân bón NPK ở mức 275,000 tấn, Super Lân các loại 160,000 tấn, cùng nhích nhẹ 1% so năm 2017. Còn Axit Sunphuric dự kiến tăng 6%, lên mức 86,000 tấn. Trong đó, sản phẩm bao bì sẽ tăng mạnh nhất với 16%, đạt mức 12 triệu cái, được biết đây là mảng duy nhất 2017 không đạt chỉ tiêu đề ra.
Chia sẻ về kế hoạch trên, lãnh đạo cho biết Công ty cân đối rất kỹ tỷ lệ phân đơn tăng giá (hiện giá ure đã giảm mạnh trong khi kali vẫn tăng đều đặn, DAP cũng đang điều chỉnh), các loại chi phí cũng như dự báo về tình hình 2018, và nếu nguyên liệu như bây giờ thì Công ty cố gắng bám sát kế hoạch đặt ra. Nói là vậy, song bên lề đại hội ông Hiệp vẫn rất khả quan vào thị trường thời gian tới, khi mặt bằng giá NPK theo vị này sẽ được thiếp lập mới tại mức cao hơn.
Mặt khác, khi nói về yếu tố cạnh tranh trong bối cảnh còn khó khăn, SFG dự kiến sẽ đầu tư mạnh cho nhân sự. Điều này cũng được cựu lãnh đạo Công ty đề xuất và cho ý kiến khá dài tại đại hội, cụ thể: "Tôi đề xuất Công ty phải chi tiền mạnh để thu hút nhân sự có tài, chứ không chỉ thuê người làm việc. Tức, SFG nên cân nhắc thuê người giỏi để kèm cặp nhân sự biết làm việc hiện tại". Trả lời, lãnh đạo Công ty ghi nhận ý kiến trên, và cho biết vẫn rất trăn trở, với tiềm lực hiện tại SFG còn phải cân đong đo đếm nhiều, không phải muốn là làm ngay được.
Kết thúc quý 1, Công ty đạt 427 tỷ doanh thu và 26 tỷ lợi nhuận, tăng nhẹ so với mức 443 tỷ và 24 tỷ cùng kỳ năm ngoái.
Kỳ vọng tiết kiệm được 20 tỷ/năm nếu thuế VAT cho phân bón được áp dụng
Một kỳ vọng khác cho SFG thời gian tới chính là đề xuất của Bộ Tài chính sửa đổi thuế giá trị gia tăng (VAT) với một số mặt hàng như phân bón, máy móc phục vụ cho sản xuất nông nghiệp… từ đối tượng được miễn thuế về chịu thuế suất 0%. Cụ thể, trong phiên họp báo thường kỳ ngày 15/8/2017 vừa qua, Bộ Tài chính đã đưa ra một loạt phương án sửa đổi 5 luật thuế, bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thuế tài nguyên. Trong đó, sẽ sửa đổi quy định về thuế VAT với mặt hàng phân bón.
Theo ông Hiệp, đến nay vẫn chưa có diễn biến gì mới hơn, hiện dự thảo đang được kiến nghị và xem xét đưa vào nội dung trình Quốc hội. Và nếu chấp thuận, dự kiến 2019 sẽ chính thức vận hành, hỗ trợ SFG cho bức tranh những năm sau đó với dự báo con số chi phí tiết kiệm ban đầu là 20 tỷ đồng/năm.
Liên quan đến yếu tố tăng trưởng tương lai, SFG còn có một khoản thu không nhỏ từ bất động sản. Với khu đất tại mặt tiền đường CMT8 - trụ sở hiện tại của SFG - Tổng Giám đốc cho biết đã có rất nhiều đối tác muốn hợp tác phát triển dự án. Tuy nhiên, Công ty vẫn đang trong quá trình xem xét, nghiên cứu phương án.
Tại đại hội năm nay, cổ đông SFG cũng đã thống nhất bầu ông Nguyễn Văn Quý vào chức danh Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020, thay cho ông Lâm Thái Dương là người đại diện phần vốn Nhà nước.
Trên thị trường, cổ phiếu SFG biến động khá mạnh, hiện đang đi ngang tại vùng cận kề đáy cũ 1 năm về trước là 12.950 đồng/cp (chốt phiên 24/4).
Biến động cổ phiếu SFG một năm qua.