Sanofi Việt Nam - Công ty dược đang nắm khoảng 4% thị phần tại Việt Nam vừa công bố thông tin được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược cho phạm vi nhập khẩu thuốc tại Việt Nam.
Cụ thể, dựa theo Quyết định số 2542/QĐ-BYT của Bộ Y tế, Công ty TNHH Sanofi-Aventis Việt Nam ("Sanofi Việt Nam") được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược cho phạm vi nhập khẩu thuốc theo Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 của Chính phủ. Theo đó, Sanofi là tập đoàn sản xuất dược phẩm đa quốc gia dựa trên nghiên cứu và phát triển đầu tiên tại Việt Nam đủ điều kiện nhập khẩu thuốc trực tiếp.
Đây là một tín hiệu đáng mừng cho thị trường dược phẩm tại Việt Nam khi lần đầu tiên có một đơn vị được phép nhập khẩu trực tiếp các loại thuốc và vắc xin mới nhất, đặc biệt là vắc xin phòng bệnh não mô cầu - căn bệnh để lại hậu quả kéo dài suốt cuộc đời với các di chứng như mất trí nhớ, điếc, mất chi và tổn thương não.
Theo đơn vị này, bệnh do não mô cầu tiến triển rất nhanh, có thể gây tử vong trong vòng 24 giờ. Diễn tiến của bệnh có thể chỉ trong vài giờ nhưng hậu quả có thể kéo dài suốt cuộc đời với các di chứng như mất trí nhớ, điếc, mất chi và tổn thương não. Do đó, Sanofi Đông Dương khuyến cáo người dân cần chú ý tiêm phòng đầy đủ cho các bé. Đây là việc làm hết sức cần thiết và cấp bách.
Sanofi Đông Dương cũng mong muốn đồng hành cùng Bộ Y tế Việt Nam tuyên truyền mạnh mẽ đến người dân về tầm quan trọng của quá trình tiêm chủng, nhằm hạn chế phong trào anti-vắc xin vô cùng nguy hiểm thời gian quan.
Ông Haissam Chraiteh – Tổng Giám Đốc Sanofi Đông Dương cho biết đây là một hành trình vô cùng khó khăn của doanh nghiệp. Thời điểm bắt đầu tìm kiếm cách thức tiếp cận thị trường dược phẩm Việt Nam vào 8 năm trước, cả đội ngũ cán bộ lẫn nhân viên của Tập đoàn tự nhủ không được phép thất bại. Có những lúc mọi người đều phải làm việc liên tục suốt 24h, tham khảo nhiều mô hình tiên tiến ở các nước để đưa vào áp dụng, từ đó thuyết phục Bộ Y tế Việt Nam cấp phép cho nhập khẩu thuốc trực tiếp.
"Đó là một hành trình khó khăn và tốn nhiều công sức. Tuy nhiên chúng tôi luôn tự nhủ chúng tôi không được phép thất bại. Bởi nếu chúng tôi thất bại thì trẻ em Việt Nam, kể cả nhiều người lớn sẽ không có cơ hội được tiếp cận với những loại vắc xin mới có khả năng phòng được những loại bệnh nguy hiểm có thể gây tử vong trong vài giờ.
Việc được công nhận là Tập đoàn đa quốc gia đầu tiên được nhập khẩu thuốc trực tiếp giúp chúng tôi tiếp cận tốt hơn đến thị trường dược phẩm tại Việt Nam. Tuy nhiên đây cũng là áp lực lớn đòi hỏi tất cả mọi người cố gắng nhiều hơn nữa", Ông Haissam Chraiteh nhấn mạnh.
Trong tháng 8 vừa rồi, Sanofi Đông Dương cũng đã nhập khẩu lô hàng vắc xin đầu tiên vào Việt Nam. Đây là loại vắc xin giúp cả trẻ em và người lớn bảo vệ khỏi những bệnh nguy hiểm gây ra bởi vi khuẩn não mô cầu. Ngoài ra, đơn vị này cũng đưa vào sử dụng Kho bảo quản thuốc đáp ứng tiêu chuẩn Thực hành tốt bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc (GSP) tại quận 9, TP HCM.
Đây là kho lưu trữ và bảo quản các sản phẩm nhập khẩu, được lắp đặt hệ thống kiểm soát an ninh nghiêm ngặt và có vị trí giao thông thuận lợi để nhà phân phối có thể vận chuyển và giao hàng trên toàn quốc. Việc bảo quản thuốc tại kho được vận hành theo quy trình nghiêm ngặt với nhiệt độ phù hợp với từng loại thuốc, được đảm bảo tối đa về chất lượng, vệ sinh, bất cứ ai ra vào kho đều có hệ thống kiểm soát.
Ngoài ra, với những sản phẩm nghi ngờ có dấu hiệu hàng giả sẽ được chuyển vào một khu vực riêng biệt để kiểm định lại nhằm đảm bảo tất cả các loại thuốc khi đưa vào thị trường Việt Nam đều đảm bảo an toàn cho người dân và trẻ em.
Theo ông Haissam Chraiteh, Tổng Giám Đốc Sanofi Đông Dương, Việt Nam được xếp vào nhóm những nước có ngành dược mới nổi (Pharmerging), nơi nhu cầu chăm sóc y tế ngày càng tăng tỷ lệ thuận với sự cải thiện về thu nhập, điều kiện sống và tốc độ già hóa dân số.
"Việc mở rộng phạm vi nhập khẩu thuốc cho các tập đoàn sản xuất dược phẩm đa quốc gia dựa trên nghiên cứu và phát triển như Sanofi là tín hiệu vui góp phần giúp người dân được tiếp tục tiệm cận với những giải pháp chăm sóc y tế tiên tiến, từng bước tiệm cận với quy chuẩn của khu vực" - ông Haissam Chraiteh nói thêm.