Diễn đàn công nghiệp hỗ trợ vừa diễn ra tại Hà Nội, các chuyên gia cho rằng ngành ô tô trong nước đang gặp thách thức lớn khi mức thuế nhập khẩu đã về 0%. Bởi đây được xem là một phần nguyên nhân khiến ô tô ngoại nhập ồ ạt vào Việt Nam.
Tính đến hết tháng 9/2019, Tổng cục Hải quan cho biết số lượng ô tô nhập về đã gấp 3 lần so với cùng kỳ 2018. Trong đó, chủ yếu là ô tô dưới 9 chỗ.
"Rõ ràng các sản phẩm nhập khẩu có lợi thế hơn hàng Việt Nam rất nhiều", ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp nói.
Đại diện Toyota Việt Nam cũng nói thẳng rằng chi phí sản xuất xe ô tô tại Việt Nam đang cao hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực. Những lý do được doanh nghiệp này đưa ra cũng rất quen thuộc như quy mô thị trường bé, số lượng thấp.
Do vậy, các nhà sản xuất thường nhập khẩu linh kiện để sản suất ô tô. Phía Toyota nhấn mạnh Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam trong bối cảnh thuế đã về 0% từ năm 2018.
Bởi nếu không có sự giúp đỡ này, các doanh nghiệp sẽ chuyển từ sản xuất sang nhập khẩu để tối ưu chi phí.
Trước những sức ép lớn, ông Phạm Văn Tài, TGĐ CTCP Thaco nói rằng không thấy bi quan đến vậy. "Tuy nhiên, tôi cũng không chủ quan, mà lạc quan", ông nói.
Theo ông, trong bối cảnh khó khăn chung của ngành, các doanh nghiệp cần phải giải được bài toán làm thế nào để giá thành sản xuất rẻ hơn giá thành mua về. Để làm được điều này, ông cho rằng phải xử lý được vấn đề nội địa hoá với sản lượng sản xuất nhỏ. Theo đó, phải tìm cách gom những chi tiết, nhóm sản phẩm chung để giảm bớt khấu hao.
Ông cũng đề xuất đến hướng đi như liên doanh liên kết với doanh nghiệp nước ngoài, nhận chuyển giao công nghệ.
Mặt khác, để có thể tạo được sức bật cho ô tô nội địa, đại diện Thaco cho rằng cần có những ưu đãi về thuế phí. Việc giảm thuế phí sẽ giúp giá thành ô tô giảm, từ đó, tăng khả năng tiếp cận cho người dân, ông Tài cho biết. Hiện ô tô đang phải gánh rất nhiều loại chi phí khác nhau.
Ông Trương Thanh Hoài cũng cho biết phía Bộ Công thương cũng đã có một số lần kiến nghị với Bộ Tài chính để trình các cấp có thẩm quyền chính sách Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) về lắp ráp, sản xuất xe trong nước.
Theo cách tính đó, Thuế TTĐB đối với xe sản xuất trong nước được tính là miễn phần giá trị gia tăng được tạo ra trong nước. Hiện Bộ Tài chính đang tiếp thu, nghiên cứu và sẽ báo cáo lại với Chính Phủ, Quốc hội để có những điều chỉnh với thuế này.
"Chúng tôi cho rằng đây là thời điểm rất quan trọng với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Phải nghĩ rằng phải tồn tại trước", ông nhấn mạnh.