Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư chiều nay (10/2/2022), Tổng Giám đốc VPBank - ông Nguyễn Đức Vinh đã có những chia sẻ về chiến lược của ngân hàng trong thời gian tới, sau khi nhà băng này vừa tăng vốn chủ sở hữu lên mức kỷ lục hơn 86.000 tỷ đồng.
"Kế hoạch kinh doanh thời gian tới của VPBank dự kiến rất tham vọng, thách thức. VPBank xác định mục tiêu trở thành nhóm dẫn đầu thị trường", ông Nguyễn Đức Vinh cho biết.
Theo CEO VPBank, những kết quả mà ngân hàng đạt được thời gian qua rất quan trọng, và ban lãnh đạo đang đánh giá lại chiến lược toàn diện để xác định động lực tăng trưởng mới trong 5 năm tới. "Chúng ta không tạo động lực mới thì sẽ không cạnh tranh và duy trì được tốc độ tăng trưởng cao như 10 năm qua", ông nói.
Kế hoạch và chiến lược cụ thể sẽ sớm được trình tại ĐHĐCĐ, cho phép VPBank định hình chương trình phát triển dài hạn. Động lực mới sẽ giúp VPBank duy trì tăng trưởng cao thời gian tới, cao hơn trung bình toàn ngành. Việc chuẩn bị cơ sở vốn là rất quan trọng. Tại ĐHĐCĐ năm ngoái, Chủ tịch ngân hàng cũng có chia sẻ kế hoạch về vốn và hiện vốn chủ sở hữu đã lên gần 90.000 tỷ, nằm top cao nhất.
VPBank cũng sẽ tiếp tục củng cố nền tảng vốn bằng việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược. HĐQT đề ra và đang tiến hành hết sức tích cực. "Chúng tôi khẳng định, những gì ban lãnh đạo cam kết sẽ thực hiện được. Việc chào bán cho NĐT chiến lược sẽ sớm thực hiện trong những tháng tới đây", ông Vinh nói.
Về câu hỏi của nhà đầu tư xung quanh giá cổ phiếu ngân hàng đi ngang thời gian qua, CEO VPBank bày tỏ quan điểm, giá cổ phiếu là cách nhìn của thị trường, của nhà đầu tư với một ngân hàng và phụ thuộc nhiều yếu tố.
"Chúng tôi có trách nhiệm quan trọng là xây dựng bộ máy, tạo ra động lực tăng trưởng, hoạt động an toàn và hiệu quả, chuẩn bị những cơ hội phát triển trong tương lai. Nếu thành công sẽ nâng cao giá trị cho cổ đông, giá trị ngân hàng, khẳng định vị thế trên thị trường. Từ đó, NĐT sẽ có đánh giá hợp lý và tác động đến giá cổ phiếu", ông cho biết.
Ông nói thêm: "So với 1 năm trước, giá VPB cũng đã tăng gấp 3 lần, đó là con số lớn".
Tổng Giám đốc VPBank chia sẻ, có thể nhiều nhà đầu tư có những lo ngại về mô hình kinh doanh của VPBank khi ngân hàng tham gia phân khúc rủi ro. Tuy nhiên, những gì mà ngân hàng đã lựa chọn là đúng đắn, được thể hiện qua những thành quả trong thời gian qua.
Năm 2021, VPBank riêng lẻ cũng có lợi nhuận hơn 14.000 tỷ đồng, là một trong những ngân hàng có tăng trưởng cao trên thị trường. Ngân hàng có chiến lược rõ ràng, nền tảng vận hành, quản trị rủi ro đầy đủ, con người nhiệt huyết, tổ chức đó có tương lai phát triển là sự đảm bảo tốt nhất trong dài hạn.
CEO VPBank cũng thẳng thắn thừa nhận, năm 2021 là một năm rất khó khăn với FE Credit khi hàng triệu người có thu nhập trung bình thấp bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
"Sẽ không hợp lý nếu nói rằng VPBank không có vấn đề gì. Chúng tôi có lẽ là một trong những ngân hàng chịu nhiều ảnh hưởng nhất bởi Covid-19. Hình dung hàng loạt khác hàng của mình dừng làm việc, không có thu nhập. Chúng tôi cũng là ngân hàng có nợ tái cấu trúc nằm trong top đầu thị trường năm qua. Riêng FE Credit hụt 4.000 tỷ lợi nhuận, mặc dù không mất hoàn toàn mà đưa vào dự phòng, hỗ trợ giảm lãi suất", ông Vinh nói.
Tuy nhiên, sự hỗ trợ khách hàng sẽ đem lại giá trị quan trọng trong tương lai. Hiện ngân hàng cũng đã ghi nhận những tín hiệu tích cực và khả quan trong quý 4, cho thấy khả năng phục hồi còn tốt hơn dự kiến.
"Trong 2022 có nhiều kịch bản, kịch bản tốt FE Credit có thể quay lại lãi 5.000-6.000 tỷ. Và dù kịch bản tệ nhất cũng sẽ tốt hơn năm 2021. Khả năng phục hồi của nền kinh tế nói chung sẽ cho phép VPBank năm 2022 bứt phá trở lại, ở cả ngân hàng mẹ và FE Credit".