Thả nổi phí tham quan du lịch?

05/08/2018 11:09
Phí tham quan du lịch ở một số điểm đến, danh thắng, di sản liên tục được điều chỉnh tăng, trong khi chất lượng dịch vụ chưa tăng tương xứng sẽ góp phần làm giảm sức cạnh tranh của ngành du lịch và du khách "không trở lại".

UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết chưa đồng ý với đề xuất tăng phí tham quan du lịch vịnh Hạ Long, theo đề xuất của Ban Quản lý vịnh Hạ Long mới đây, sau khi bị dư luận và doanh nghiệp (DN) phản ứng. Quảng Ninh không phải là địa phương duy nhất tăng phí tham quan một số điểm đến thời gian qua. Trước đó, nhiều địa phương cũng bị phản ứng về việc liên tục điều chỉnh phí tham quan, vé vào cổng các điểm du lịch, di tích, danh thắng…

Nản lòng du khách, giảm tính cạnh tranh

Trước đó, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã đề xuất tăng phí tham quan các tuyến trên vịnh lên mức rất cao, sau lần điều chỉnh gần đây nhất vào tháng 4-2017. Cụ thể, phí tham quan và lưu trú 1 đêm sẽ tăng từ 550.000 đồng lên 950.000 đồng/tuyến/người (tương đương 42 USD); 2 đêm phí từ 750.000 đồng lên 1,3 triệu đồng/tuyến/người (tương đương 58 USD)…

Theo nhiều DN du lịch, với 42 USD, ở Thái Lan, du khách có thể trải nghiệm tour 2 ngày 1 đêm trọn gói bao gồm tất cả dịch vụ bữa ăn, phòng nghỉ khách sạn, hướng dẫn viên, xe cộ với dịch vụ tốt, cảnh đẹp, thái độ thân thiện. Trong khi ở Việt Nam, mức giá này chỉ đủ tiền để khách mua vé tham quan vịnh Hạ Long chưa kể chi phí ăn uống, thuê tàu.

Câu chuyện tăng phí nhưng không đi cùng việc tăng chất lượng dịch vụ, rác vẫn nhiều, nhà vệ sinh ở nhiều điểm đến chưa cải thiện… sẽ khiến du khách nản lòng và làm giảm tính cạnh tranh của điểm đến ở các địa phương nói riêng, ngành du lịch Việt Nam nói chung. Với các DN lữ hành, thông thường sẽ lên sản phẩm tour, làm giá tour từ trước nhiều tháng (có khi trước 6 tháng). Lúc này, các DN sẽ phải gánh chịu rủi ro về biến động giá tour một khi có điểm tham quan nào đó trong tour tăng phí tham quan. Thậm chí, còn có tình trạng điểm tham quan bất ngờ tăng phí mà không thông báo trước hoặc báo rất sát ngày… khiến nhiều DN không kịp trở tay, mặc dù khi làm sản phẩm tour, các DN lữ hành đều có phương án dự phòng cho những rủi ro phát sinh.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhìn nhận việc tăng phí tham quan ở các điểm đến cần theo lộ trình, thông báo kế hoạch tăng phí ít nhất trước từ 6 tháng đến 1 năm để DN du lịch chuẩn bị, đưa vào kế hoạch giá tour cho du khách biết. Không thể tùy tiện muốn tăng là tăng bởi ngành du lịch vừa khởi sắc vài năm nay. Quan trọng hơn, tăng phí cần thông báo rộng rãi cho DN và người dân được biết để đóng góp ý kiến xem việc tăng có hợp lý không, đi kèm với cam kết tăng chất lượng dịch vụ của điểm đến…

Thả nổi phí tham quan du lịch? - Ảnh 1.

Du khách trên du thuyền tham quan vịnh Hạ Long. Ảnh: HOÀNG HOA

Lợi bất cập hại

Đại diện Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist cho rằng trong thời điểm có tính cạnh tranh giữa các đơn vị lữ hành với nhau, việc tăng phí tham quan tại các điểm đến du lịch chắc chắn sẽ tác động lớn đến việc duy trì lợi thế cạnh tranh của một DN. Chẳng hạn, cùng một sản phẩm tour nhưng DN tính gộp phí tham quan vào thành giá tour trọn gói sẽ không thể nào cạnh tranh với các đơn vị tách riêng phí tham quan (phí do khách tự túc trả) khi làm sản phẩm tour cung cấp đến khách hàng. Tăng phí tham quan là giải pháp mang tính tình thế, hậu quả là lợi bất cập hại. "Khi một điểm tham quan nào đó trong tour tăng phí lên, một số DN lữ hành sẽ chọn phương án là chuyển đổi điểm tham quan khác; thậm chí sẽ không đưa khách quay lại nơi đó nữa. Như vậy, điểm tham quan đó sẽ giảm lượng khách, không như mong muốn ban đầu của nhà đầu tư. Do đó, các điểm tham quan đó nên cân nhắc thật kỹ và phải có kế hoạch trước khi ra quyết định tăng phí" - đại diện Saigontourist nói.

Theo các chuyên gia du lịch, từng địa phương, các điểm tham quan cần thay đổi tư duy làm du lịch theo hướng phát triển bền vững thay vì chỉ nghĩ tới chuyện tăng giá, tăng phí. Mới đây, một số nơi có những chính sách ưu đãi vì cộng đồng rất đáng ghi nhận, như Vinpearl Land Nha Trang, Khu Du lịch Bà Nà ở Đà Nẵng… có chính sách giá ưu đãi dành cho người dân địa phương khi đến vui chơi. Để du lịch phát triển, sản phẩm du lịch là quan trọng nhất, ngoài tài nguyên có sẵn thì việc bồi bổ, duy tu và sáng tạo sản phẩm rất quan trọng. Các chi phí tham quan có thể tăng vì nhiều lý do nhưng cần để du khách thấy lý do đó là hợp lý, cụ thể là tiện ích của dịch vụ có gia tăng lên hay có thay đổi tích cực gì sau khi tăng giá.

Ông HUỲNH VĂN SƠN,, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Ngôi Sao Biển:

Mạnh dạn giao DN quản lý

Việc tăng vé, phí tham quan quá nhiều có thể gây tác dụng ngược khi số tiền thu từ phí, vé tăng nhưng không đầu tư tương xứng sản phẩm, dịch vụ… khiến du khách nản lòng và không quay lại. Không nên xem các danh thắng là sản phẩm du lịch tự nhiên và địa phương chỉ việc thu lấy tiền. Như ở Campuchia, đền Angkor Wat là điểm đến nổi tiếng thế giới và nước này giao cho một DN đầu tư, duy tu, chăm sóc… DN sẽ tự cân bằng giữa các dịch vụ du lịch và giá vé làm cho du khách hài lòng, không bị phản ứng. Cái gốc vấn đề trong việc các điểm đến tăng phí, vé tham quan là khâu quản lý, nhà nước có thể mạnh dạn giao cho tư nhân quản lý để họ có trách nhiệm phát triển sản phẩm du lịch. Cơ quan quản lý nhà nước chỉ cần đứng ở vai trò giám sát. Mỗi điểm đến có sức hút và sức cạnh tranh khác nhau nhưng nếu giá vé, phí tăng cao bất hợp lý sẽ khiến cả DN và du khách quay lưng.

. TRẦN THỊ BẢO THU, Giám đốc tiếp thị và Truyền thông, Công ty Du lịch Fiditour:

Giá tour tăng, khó cạnh tranh với tour ngoại

Mức độ cạnh tranh du lịch ở cấp quốc gia ngày càng cao. Các điểm đến trong khu vực Đông Nam Á - láng giềng của Việt Nam luôn làm mới mình với nhiều dịch vụ tiện ích khiến việc chia sẻ các thị phần khách quốc tế ngày càng gay gắt. Đối với thị trường du lịch nội địa, nếu giá các dịch vụ đều tăng, sẽ đẩy giá tour chung tăng lên khiến năng lực cạnh tranh của sản phẩm nội địa giảm đi.

Chẳng hạn, nếu tuyến tham quan miền Bắc có các điểm đến Ninh Bình, vịnh Hạ Long… đều tăng giá, DN lữ hành sẽ khó lòng cân đối được chi phí tour, buộc phải tăng giá khiến sản phẩm tour miền Bắc bị đẩy giá lên cao, sẽ khó khăn hơn khi cạnh tranh với các tuyến Thái Lan, Malaysia, Đài Loan.

Các cơ quan quản lý du lịch cũng có lý do để tăng giá dịch vụ tham quan nhưng cần thuyết phục du khách bằng các tiện ích mới để du khách quan tâm hơn đến tính hấp dẫn, độc đáo của sản phẩm và không còn băn khoăn về mức giá tăng.

. Ông TRẦN THẾ DŨNG, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ:

"Đẩy" du khách sang điểm đến khác

Việc Ban quản lý vịnh Hạ Long đề xuất tăng phí tham quan các tuyến trên vịnh lên mức rất cao, tăng sốc có thể cho thấy tư duy "một mình một chợ". Mức phí tăng cao sẽ đẩy giá tour tham quan vịnh lên rất cao và người Việt có ít tiền sẽ rất khó chen chân được với những du khách khác, nhất là với tuyến tour tham quan, lưu trú qua đêm. Với mức giá tour như hiện nay đã đẩy người Việt càng xa di sản của đất nước. Trong khi ở nhiều điểm đến nổi tiếng khác trong khu vực, người dân được miễn phí tham quan di sản thuộc địa phương mình. Ngoài ra, nếu nhìn ở góc độ địa phương, giá vé tham quan vịnh Hạ Long cao có thể "đẩy" du khách sang vịnh Lan Hạ, quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) với quang cảnh cũng rất đẹp, giá tour rẻ hơn nhiều, đường sá thông thoáng.

. TRƯƠNG THỊ HƯƠNG GIANG, đại diện Công ty Du lịch Vietravel:

Doanh nghiệp lữ hành chịu thiệt

Hiện nay, giá tour du lịch Việt Nam đang dần mất lợi thế so với các quốc gia trong khu vực. Lý do là du lịch hiện nay đang hoạt động theo phương thức khá tự phát. Mỗi đơn vị trong ngành thường tự ý điều chỉnh tăng giá dịch vụ, điều này sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng chung. Nếu mỗi đơn vị tăng một ít sẽ đẩy giá của một tour du lịch Việt Nam lên tương đối cao và điều này sẽ ảnh hưởng không chỉ tới xu hướng lựa chọn tour của khách quốc tế mà còn khách trong nước. Chẳng hạn, nếu giá tour đi Hà Nội cao hơn giá đi Thái Lan hay Singapore, khách du lịch sẽ cân nhắc trong việc chọn điểm đến.

L.ANH ghi

Tin mới

Phát hiện sà lan chở khoảng 570 tấn hàng giống phân bón không rõ nguồn gốc
3 giờ trước
Cơ quan chức năng tỉnh Hậu Giang đang tiến hành xác minh, xử lý một phương tiện chở hàng trăm tấn hóa chất giống phân bón mang nhãn hiệu nước ngoài, không có hóa đơn, nguồn gốc, xuất xứ.
Giá xe máy bất ngờ thủng đáy: Honda Vision thấp nhất 29 triệu đồng, Honda SH, Lead, Yamaha Janus… giảm tối đa 25 triệu
4 giờ trước
Hàng loạt các mẫu xe máy hot đến từ Yamaha và Honda ghi nhận mức giảm giá kịch sàn nhằm thu hút người mua.
PewPew xin khách hàng cho quán bánh mì thêm 1 cơ hội, ai cũng khen ông chủ quá khéo léo
4 giờ trước
Sau khi khai trương cơ sở bánh mì ở Hà Nội, PewPew đã bất ngờ đăng tải video gửi lời cảm ơn và xin lỗi tới mọi người.
"Khách sộp" ở Hà Nội vừa mua và thuê hơn 3.000 xe điện VinFast, trong đó có nhiều xe VF3, là ai?
4 giờ trước
Công ty này vừa cho ra mắt một hãng taxi điện mới tại Hà Nội.
Mẫu điện thoại Trung Quốc lọt "top 10 bán chạy nhất thế giới": Giá dưới 3 triệu đồng
4 giờ trước
Mẫu điện thoại giá rẻ này đã xuất sắc lọt top 10 smartphone bán chạy liên tiếp trong quý 2 và quý 3 năm 2024 nhờ giá phải chăng và thông số kỹ thuật ấn tượng.

Bảng giá cập nhật trực tuyến

Thịt bò

BEEF

1.402.996.272 VNĐ / tấn

339.60 BRL / kg

1.33 %

+ 4.45

Thịt gà

CHICKEN

33.215.813 VNĐ / tấn

8.04 BRL / kg

0.00 %

- 0.00

» Xem tất cả giá Thực phẩm

Tin cùng chuyên mục

Phát hiện nhiều kho hàng giả sát biên giới, livestream bán khắp cả nước
10 giờ trước
Số vụ vi phạm và xử lý trên môi trường thương mại điện tử không ngừng gia tăng, với tính chất vi phạm và diễn biến phức tạp
Hàng trứng đánh kem hot nhất mùa thu Hà Nội: Bị chê tanh, nhân viên thái độ nhưng tại sao vẫn đông nghịt?
1 ngày trước
Không thể phủ nhận rằng dù bị chê từ năm này qua năm khác nhưng hàng trứng đánh kem này vẫn trở thành một "huyền thoại" vào mỗi mùa thu Hà Nội.
"Mỏ vàng" giúp Việt Nam hốt bạc từ Á sang Âu: Thu về hơn 211.000 tỷ đồng chỉ trong 10 tháng
1 ngày trước
Nếu tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng này, kế hoạch của Việt Nam đối với ngành kinh tế này chắc chắn sẽ đạt được.
Độc lạ người đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ sang Việt Nam… bán nước mía: "Mấy ngày trước bán chưa được 100.000 đồng"
2 ngày trước
Ở đất nước cách Việt Nam hơn 8.000 km, anh Huseyin Karaksas (51 tuổi) chọn đến sống ở TP.HCM bởi trót yêu món giải khát “trên cả tuyệt vời”.