Để bán được hàng trên TikTok Shop, nhiều người phải tạo ra nội dung khác biệt, độc lạ để thu hút sự quan tâm.
Nội dung chính:
Người bán hàng trên TikTok Shop phải tạo ra những nội dung tốt để thu hút khách hàng - công việc không phải thế mạnh của nhiều người. So với TikTok Shop, Shopee, Lazada, Tiki… có lợi thế về người dùng lâu năm, về khâu vận chuyển.
Từ một nền tảng giải trí bằng các clip ngắn, TikTok đang khai phá mảng kinh doanh mới khi dịch chuyển trở thành một sàn thương mại điện tử (TMĐT). TikTok Shop đã nhanh chóng gặt hái được thành quả bước đầu khi doanh số trong riêng tháng 11/2022 đã vượt qua Tiki, theo sát Lazada - theo số liệu từ Metric.
Tuy nhiên, hành trình phía trước của TikTok Shop sẽ còn dài nếu muốn gia tăng thị phần khi Shopee và Lazada vẫn là 2 ông lớn đã quá “quen mặt” với người dùng Việt Nam.
Mỗi người bán hàng là một nhà sản xuất nội dung
Chị Phạm Thùy, chủ thương hiệu mỹ phẩm ở TP.HCM, đã nghe lời người quen “Với TikTok Shop, chỉ cần livestream (phát trực tiếp) là có đơn” và tự tin lấn sân sang sàn TMĐT mới.
Tháng đầu tiên, chị Thủy livestream thường xuyên, đạt doanh thu khoảng 3 triệu đồng. Sang tháng thứ hai, con số khả quan hơn với khoảng 10 triệu đồng. Đến tháng thứ ba, khi đã có một lượng người theo dõi gian hàng nhất định, chị Thủy hạn chế livestream và doanh số ngay lập tức tụt dốc, doanh thu chỉ còn khoảng 500.000 đồng.
“Đặc điểm của livestream trên TikTok là không bị phụ thuộc vào lượt theo dõi của kênh mà phần nhiều nằm ở quá trình phát trực tiếp, mức độ tương tác giữa người bán - người mua” , chị Phạm Thùy chia sẻ.
So với việc quay dựng video thông thường, livestream đòi hỏi người bán phải chuẩn bị kịch bản và tập nói trước để có được một phiên live chỉn chu, chuyên nghiệp nhất. Nhiều buổi livestream kéo 3-4 giờ khiến chị Thủy hụt hơi, mệt mỏi.
Hiệu quả của livestream trên TikTok phụ thuộc vào khả năng tương tác của người bán - người mua.
Thực tế, TikTok Shop chưa có thuật toán điều tiết lưu lượng người xem/mua hàng theo độ uy tín hay phổ biến của gian hàng. Là một nền tảng giải trí, nội dung của kênh chỉ được phân phối khi người bán tạo ra nội dung có chất lượng. Nếu không có nội dung tốt, gian hàng có thể không được hiển thị nữa mặc cho việc các gian hàng đã bán hàng tốt trước đó. Mỗi gian hàng được TikTok Shop “đối xử” như một nhà sản xuất nội dung hơn là một người bán đơn thuần.
Tại TikTok Shop, nhu cầu của người mua được hình thành hoặc được đánh thức từ cảm xúc khi xem video. Việc ra quyết định mua hàng cũng phần lớn do cảm xúc mà video đó mang lại. Trong khi đó, sáng tạo nội dung thu hút thường không phải là việc mà các cửa hàng có lợi thế, đặc biệt khi so với những nhà phát triển nội dung chuyên nghiệp trên nền tảng TikTok.
Ngược lại, các gian hàng trên các nền tảng TMĐT khác có xu hướng xây dựng gian hàng bền vững. Với các gian hàng có chỉ số vận hành tốt, điểm uy tín cao, nhiều đánh giá chất lượng từ phía người mua… sàn TMĐT sẽ chủ động điều tiết lượng truy cập cho các gian hàng chất lượng. Nhờ đó, các gian hàng sẽ có doanh thu ổn định từ người mua trung thành và những người mua mới bị thu hút bởi độ uy tín.
Người mua thích sự chủ động trên các nền tảng cũ
Tính năng tiếp cận khách hàng kể cả những không có nhu cầu mua sắm của TikTok Shop mang lại nhiều lợi thế cho sàn TMĐT này. Tuy nhiên, một số người cho biết họ thích sự chủ động mua sắm hơn là việc bị “dẫn dụ” mua hàng.
Trên các nền tảng TMĐT như Shopee, Lazada, Tiki… nhu cầu thường xuất phát từ phía người mua. Người dùng mở ứng dụng Shopee, Lazada và Tiki khi có nhu cầu về một mặt hàng nào đó. Các ứng dụng này cũng cho phép họ mua các sản phẩm chính hãng từ các cửa hàng chính thức được xác nhận (tick xanh), hoặc các cửa hàng uy tín được xếp hạng cao trên các ứng dụng.
Anh Nguyễn Quang Trường, chủ một gian hàng phụ kiện điện thoại cho biết sau một thời gian ngắn bán hàng trên TikTok Shop, anh nhận thấy tỷ lệ khách hủy hàng trên nền tảng này cao hơn so với các nền tảng khác Facebook, Website và Shopee, thậm chí có tháng tỷ lệ hủy đơn hàng lên đến 20%. Anh Trường cho rằng do bản chất TikTok Shop là nền tảng giải trí, khách hàng nhìn thấy sản phẩm và mua theo cảm xúc nên họ có thể “bùng” bất cứ khi nào họ hết hứng thú.
Chưa kể, một số người dùng cho biết chưa có thói quen mua sắm tại TikTok do đã quá quen với các ứng dụng cũ.
Chị Thanh Hằng, nhân viên văn phòng tại Hà Nội cho biết vẫn ưu tiên sử dụng các trang TMĐT quen thuộc như Shopee, Lazada vì đã quen với giao diện, cách mua hàng. Chị Hằng chưa có thói quen mua hàng trên TikTok Shop vì giao diện không thực sự tối ưu cho cá nhân chị.
“Một vài lần thử mua hàng trên TikTok Shop, tôi nhận ra mình bị sao nhãng và tốn thêm nhiều thời gian cho việc xem các video, clip trên TikTok” , chị Hằng nói.
Cuộc đua vận chuyển
Ngoài việc mua bán, khâu vận chuyển cũng là một trong những yếu tố cạnh tranh của các sàn TMĐT. Hiện Shopee hợp tác với một loạt các “ông lớn” vận chuyển như Giao Hàng Tiết Kiệm; Giao Hàng Nhanh; Viettel Post; Vietnam Post, Ninja Van, J&T Express và tự xây cho mình kênh Shopee Xpress. Lazada sở hữu Lazada Express, ngoài ra còn bắt tay với VNPost, DHL, Giao Hàng Nhanh, Ship60, VNCPost, Netco Post. Tiki có thêm sự hỗ trợ của Ninja Van và Giao Hàng Nhanh, bên cạnh kênh “của nhà trồng được” là TikiNOW Smart Logistics.
Sự đa dạng trong phương án vận chuyển giúp các sàn TMĐT dễ dàng giao hàng đến tay người dùng, đơn vị bán hàng cũng không bị phụ thuộc vào một đơn vị duy nhất. Hiện các sàn TMĐT cũng cho phép người mua tự lựa chọn đơn vị vận chuyển phù hợp, tối ưu về giá cả và thời gian. Chưa kể, các sàn gần đây đều bổ sung hình thức giao hàng nhanh, giao hàng hỏa tốc, cho phép người mua hàng tại các đô thị lớn có thể nhận hàng trong 1-2 giờ kể từ khi đặt hàng.
Có 3 đơn vị vận chuyển hàng cho TikTok Shop. Ảnh chụp màn hình
Điểm cộng này chưa có tại TikTok Shop. TikTok Shop hiện có 3 đơn vị vận chuyển là J&T Express, Giao Hàng Tiết Kiệm và Best Express. Tuy nhiên, cả người mua lẫn người bán đều không được chọn đơn vị vận chuyển, thay vào đó, phía TikTok Shop sẽ tự phân bổ, phổ biến nhất là J&T Express.
Chính sự khác biệt trong khâu vận chuyển khiến một số người ngay lập tức nghĩ đến các sàn TMĐT như Shopee, Lazada hay Tiki thay vì TikTok Shop nếu có nhu cầu nhận hàng nhanh chóng.
“Tôi đã mua hàng qua TikTok Shop 3 lần nhưng 2 lần trong số đó mất tới hơn 1 tuần mới nhận được hàng - lâu hơn so với thời gian khi mua tại Shopee hay Lazada. Tôi luôn mong muốn sớm nhận được sản phẩm, vì vậy tôi không đánh giá cao TikTok Shop trong khâu vận chuyển” - chị Hà An, một khách hàng ở Hà Nội cho biết.