Một số những chủ cửa hàng nhượng quyền vẫn buộc phải làm việc khi bão tuyết đang càn quét bên ngoài. Họ thậm chí còn không có thời gian nghỉ để lo tang lễ cho người thân trong gia đình. Chính những điều kiện làm việc ngặt nghèo đó là nguyên nhân khởi nguồn cho một phong trào nhằm thuyết phục cấp lãnh đạo của 7-Eleven cho phép các cửa hàng được đóng cửa sớm hơn.
Chủ đề bàn tán chủ yếu xoay quanh điều kiện làm việc khắc nghiệt, nhưng từ đó cũng dấy lên những hoài nghi về tương lai của ngành công nghiệp trị giá 100 tỷ USD, khi phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số, nền kinh tế tăng trưởng chậm và sự xuất hiện của những đối thủ mới trên thị trường, tiêu biểu là Amazon Prime.
“Câu hỏi đặt ra ở đây là nhu cầu thực sự tại các cửa hàng tiện lợi 24/7 ở mức nào trong bối cảnh thương mại điện tử đang dần lên ngôi”, theo Takayuki Kurabayashi, chuyên gia tư vấn ngành công nghiệp bán lẻ thuộc Viện nghiên cứu Nomura.
Ảnh: Reuters.
Mô hình cửa hàng tiện lợi bắt đầu phát triển mạnh tại Nhật Bản trong những năm 70 của thế kỷ trước. Nhiều người đã chọn sử dụng mô hình này vì nó có thể cung cấp dịch vụ suốt 24h trong một ngày. Điều đó là khá lý tưởng với một đất nước có mật độ dân số đông và văn hóa làm việc muộn về đêm khá phổ biến.
Những cửa hàng được thắp sáng lộng lẫy, theo tiếng địa phương còn được gọi là Combini, xuất hiện ở khắp mọi nơi và dần trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống hiện đại của người dân Nhật Bản. Các cửa hàng cung cấp đầy đủ mọi mặt hàng từ ca-vát đến những hộp cơm trưa bento phục vụ cho công nhân trong thành phố.
Tại các vùng nông thôn, hệ thống cửa hàng tiện lợi còn đóng vai trò là nơi giao nhận hàng ký gửi cũng như cung cấp dịch vụ ATM. Thậm chí trong thời gian chịu ảnh hưởng các từ thảm họa thiên nhiên như động đất, những điểm bán hàng tiện lợi còn là nơi tránh trú hoặc phân phát hàng cứu trợ.
Hệ thống nhượng quyền đã thúc đẩy sự phát triển rộng khắp của hệ thống cửa hàng tiện lợi. Tổng số các cửa hàng lên đến con số 58.000 trong năm ngoái và chủ yếu thuộc về 3 ông lớn trong ngành bán lẻ là 7-Eleven, một công ty có nguồn gốc tại Mỹ nhưng hiện giờ đã rơi vào tay người Nhật; UNY Holdings và Lawson- một công ty con của tập đoàn Mitsibishi Corp.
Trong nhiều năm, mô hình nhượng quyền đã tránh được những tác động trực tiếp từ tình trạng thiếu hụt lao động tại Nhật Bản. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt lao động, trầm trọng nhất trong vòng hơn 40 năm, hiện lại có những tác động mạnh mẽ lên chính những “ông chủ” sở hữu các cửa hàng, những người ngoài khoản phí phải trả cho công ty nhượng quyền còn phải lo trả lương cho nhân viên.
Hiệp hội chủ sở hữu các cửa hàng tiện lợi cho biết họ cảm thấy rất khó khăn để có thể thuê đủ số nhân công họ cần. Nhiều chủ cửa hàng chia sẻ rằng họ phải tự làm việc trong nhiều giờ đồng hồ liên tục để giữ cho cửa hàng luôn mở cửa suốt cả ngày-một quy định xuất hiện trong phần lớn các hợp đồng nhượng quyền.
“Tại thời điểm ký hợp đồng, chúng tôi không thể lường trước được tình trạng thiếu hụt lao động hoặc sự gia tăng lương tối thiểu như ở thời điểm hiện tại”, theo lời Mitoshi Matsumoto, một thành viên trong hiệp hội, người sở hữu một cửa hàng 7-Eleven tại thành phố Osaka, khi anh kể về bản hợp đồng mà anh và vợ đã ký với công ty.
Ảnh: Japan Times.
Vật lộn để duy trì hoạt động kinh doanh của cửa hàng sau sự ra đi bất ngờ của người vợ trong năm 2018, anh đã bắt đầu tiến hành đóng cửa cửa hàng một vài tiếng vào ban đêm. Nhưng điều đó đồng nghĩa với việc anh có thể đối mặt với một án phạt từ phía công ty.
Lời biện hộ của anh gửi đến đại diện cấp quản lý và các nhà lập pháp đó chính là lòng cảm thông khi mà sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là một thứ gì đó khá xa xỉ tại quốc gia này. Nhiều chủ sử dụng lao động đã phải hứng chịu làn sóng chỉ trích dữ dội khi bị cáo buộc là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tự tử do làm việc quá sức.
Ngay cả một tờ báo kinh doanh nổi tiếng Nikkei cũng cho đăng tải một bài báo trong đó ủng hộ việc các cửa hàng tiện lợi nên được cho phép hoạt động trong những khung giờ linh hoạt cho dù khách hàng có thể gặp một chút bất tiện.
Trước những áp lực đó, công ty chủ quản 7-Eleven đã thông báo hôm 20/3 rằng họ sẽ tiến hành thử nghiệm áp dụng thời gian làm việc ngắn hơn so với trước đây tại 10 trên tổng số hơn 20.700 cửa hàng mà công ty đã nhượng quyền. Công ty nhấn mạnh hành động này chỉ mang tính chất thử nghiệm và chưa thể được áp dụng nhằm thay thế mô hình cửa hàng 24/7 hiện tại.
Bão hòa và sáng tạo
Roy Larke, biên tập viên trang web JapanConsuming.com, người dành phần lớn thời gian nghiên cứu ngành bán lẻ Nhật Bản, cho biết lĩnh vực này thực sự đã bão hòa và khó có thể phát triển thêm được nữa.
“Chúng ta đã có quá nhiều các cửa hàng tiện lợi, thậm chí cửa hàng này nằm sát vách cửa hàng kia. Số lượng đó đã vượt quá tầm 10% so nhu cầu thật sự”, ông chia sẻ.
Katsuhiko, Shimizu, người phát ngôn của Seven và i-Holdings, đơn vị sở hữu thương hiệu 7-Eleven cũng như chuỗi cung ứng hàng hóa Ito-Yokado, lại có suy nghĩ hoàn toàn khác.
“Vẫn còn rất nhiều không gian cho sự sáng tạo”, ông cho biết và qua đó cũng nhấn mạnh những nỗ lực của công ty nhằm áp dụng công nghệ tự động hóa và trí tuệ nhân tạo vào trong các công đoạn từ nhập và xuất hàng hóa.
Các chuỗi cửa hàng cũng đang thử nghiệm những mô hình mới trong đó có thể tích hợp cả các quầy thuốc, dịch vụ giặt là và thậm chí có cả phòng tập gym. FamilyMart đã mở cửa một số cửa hàng như vậy dưới sự hợp tác với chuỗi cửa hàng giảm giá lớn nhất Nhật Bản Don Quijote nhằm đem lại thêm những trải nghiệm thú vị cho khách hàng.
Ảnh: Japan Times.
Các chuyên gia phân tích cũng cảnh báo rằng không nên đánh giá thấp một ngành công nghiệp luôn đem lại lợi nhuận cao trong khi tung ra ít các chương trình giảm giá và phát triển bởi những sản phẩm được đổi mới không ngừng. Sản phẩm cà phê 100 yên (0,9 USD) là một ví dụ.
Họ cũng cho rằng còn quá sớm để đưa ra những dự đoán về tương lai cuộc chạy đua giao hàng trực tuyến tại Nhật Bản vì loại hình dịch vụ này cũng mới vừa chỉ nhen nhóm xuất hiện.
Cho dù chuỗi cửa hàng cũng như dịch vụ giao hàng trong ngày của Amazon được coi là những “mối đe dọa” thường trực, các cửa hàng tiện lợi vẫn nỗ lực cho ra đời những nền tảng trực tuyến riêng để cạnh tranh lại với ông lớn đến từ Mỹ. Sự hợp tác chặt chẽ với các siêu thị và mạng lưới vận chuyển truyền thống vẫn được coi là những lợi thế đối với họ.
“Tôi không chắc chắn về việc Amazon có thể 'xưng hùng xưng bá' tại đây hay không", Larke chia sẻ. “Đặc biệt là trong lĩnh vực thực phẩm, Amazon không phải 'người chơi' duy nhất trên thị trường”.
Các cửa hàng tiện lợi, cũng giống như các loại hình kinh doanh khác ở Nhật Bản, đang cố vươn mình ra biển lớn khi không chỉ tập trung phát triển ở thị trường nội địa. Nhưng Kurabayshi thuộc Nomura Research lại tỏ ra khá thận trọng khi cho rằng những thị trường nước ngoài, trong đó có cả thị trường Trung Quốc, cũng đã khá “già cỗi” rồi.
“Những vấn đề mà Nhật Bản đang gặp phải cũng sẽ là những vấn đề của nhiều thị trường châu Á khác. Đó chỉ là vấn đề thời gian mà thôi”, ông cho biết.