Việc đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho lực lượng này luôn là bài toán khó nhiều năm qua. Do vậy, mục tiêu 1 triệu nhà ở giá rẻ được cho là một thách thức khá lớn đối với chính quyền thành phố.
Xây dựng 1 triệu căn nhà giá thấp cho công nhân từ nay đến năm 2025, nghĩa là phải hoàn thành trong 4 năm nữa, có thể nói đây là mục tiêu đặt ra rất nhân văn nhưng cũng đầy thách thức với TP Hồ Chí Minh bởi nhìn vào thực trạng 5 năm qua, thành phố chỉ phát triển được thêm gần 15 ngàn căn, nâng tổng số nhà ở xã hội hiện nay của tp chỉ 18 ngàn căn, chưa đạt mục tiêu đã đặt ra. Chưa kể, tỉ lệ phát triển nhà ở bình dân, nhà ở thương mại giá thấp ngày càng ít đi và có thể nói là gần như tuyệt chủng.
Theo số liệu từ Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, trong nửa đầu năm 2021, có hơn 10 dự án nhà ở được xác nhận đủ điều kiện huy động vốn, nhưng phân khúc căn hộ bình dân hay nhà ở xã hội đều không xuất hiện.
Tuy nhiên, trong cuộc họp mới đây, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP Hồ Chí Minh, ông Phan Văn Mãi khẳng định việc này sẽ được thực hiện tốt hơn trong thời gian tới. Bởi việc chăm lo chỗ ở cho lao động, người có thu nhập thấp thời gian qua vẫn chưa được đầu tư đúng mức. Đặc biệt, trong 4 tháng giãn cách xã hội, nhiều gia đình phải sống trong những khu nhà trọ có diện tích chật hẹp, dễ lây nhiễm bệnh…
Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP Hồ Chí Minh nói: "Kế hoạch phát triển một triệu căn nhà giá rẻ cho những người có thu nhập thấp trong thời gian sắp tới, chúng tôi dự kiến sẽ phát triển những nhà ở có mức giá thấp nhất có thể để người thu nhập thấp có thể tiếp cận được, để chúng ta giải quyết được vấn đề nhà ở cho công nhân lao động, thay thế các chung cư cũ, nhà ở trên kênh rạch".
Còn nhiều vướng mắc, khó khăn khi đầu tư xây dựng nhà ở giá thấp
Theo các chuyên gia, phải phát triển song song loại hình Nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp thì mới tạo ra một quỹ nhà đủ lớn để hiện thực hóa mục tiêu 1 triệu căn nhà mà lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đề ra. Vì vậy, chắc chắn cần phải có sự tham gia của đầu tư tư nhân bởi hiện theo thống kê điều tra sơ bộ, nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp ở TP Hồ Chí Minh là khoảng hơn nửa triệu người có nhu cầu cấp bách. Tuy nhiên, hiện vướng mắc rất lớn của nhà đầu tư là khó tìm quỹ đất phát triển nhà khi giá đất đền bù ngày càng cao và thủ tục cấp phép xây dựng dự án vẫn còn nhiều nhiêu khê.
Quỹ đất
Quỹ đất là yếu tố quan trọng để tạo lập dự án nhà ở. Tuy nhiên, quỹ đất tại TP Hồ Chí Minh ngày càng khan hiếm, giá đền bù lại khá cao, rất khó để làm được nhà ở có giá bán thấp.
Ngoài quy định dành 20% quỹ đất từ dự án nhà ở thương mại để làm nhà ở xã hội, doanh nghiệp cần tiếp cận được các quỹ đất có giá rẻ hơn.
Ông Ngô Quang Phúc - Tổng giám đốc Tập đoàn bất động sản Phú Đông, cho biết: "Riêng chi phí quỹ đất đã chiếm tỷ trọng rất lớn trong việc cấu thành giá bán rồi. Do vậy, chúng ta muốn có giá thành hợp lý nhất dành cho khách hàng có thu nhập trung bình thì bắt buộc chúng ta phải có quỹ đất phù hợp với giá cả phù hợp để có thể cấu thành nên giá bán nó hợp lý".
Thủ tục hành chính
Thời gian giải quyết thủ tục, hồ sơ cho loại hình nhà ở này hiện còn rất chậm. Một số doanh nghiệp cho biết, thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội hiện chưa có một quy trình riêng. Toàn bộ thủ tục đầu tư phải trải qua 5 bước giống như các dự án nhà ở thương mại và thường kéo dài hơn 2 năm…
Hình minh họa. Ảnh: Dân trí
Các doanh nghiệp cũng cho rằng, biên lợi nhuận đầu tư dự án nhà ở giá thấp ít hơn so với phân khúc khác. Do đó, để thu hút doanh nghiệp, chính quyền cũng cần có chính sách hỗ trợ về thuế, tiền sử dụng đất hay hỗ trợ vay vốn ưu đãi…
Cần nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện mục tiêu xây nhà ở giá rẻ
Trong đợt dịch vừa qua, những khu nhà lụp xụp, môi trường sống kém thường có tỷ lệ lây nhiễm dịch khá cao. Do đó, theo các chuyên gia, thành phố cần phải quy hoạch được các khu vực để phát triển riêng loại nhà này, đồng thời đi kèm là các loại hình nhà giá rẻ khác nhau như nhà cho thuê, nhà trả góp dài hạn.
Theo nghiên cứu từ các nước đang phát triển, nhà ở thu nhập thấp cho người lao động, người nghèo phải được xây dựng dựa trên quỹ đất do Nhà nước cung cấp, quản lý.
Do đó, chuyên gia kiến nghị, Nhà nước phải chuẩn bị các quỹ đất công , kèm theo các cơ chế hợp tác thì mới khuyến khích tư nhân tham gia xây dựng loại hình nhà ở này.
TS. Dư Phước Tân, Trưởng Phòng Nghiên cứu quản lý đô thị, Viện nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, nhận định: "Nếu chúng ta đi theo quy luật thị trường, chúng ta không thể kiếm được làm sao giá cả cho nó phù hợp. Vì vậy cho nên bàn tay Nhà nước vô cùng quan trọng. Các nước kinh nghiệm cho thấy, họ cũng phải dựa trên quỹ đất của Nhà nước để cung ứng cho các nhà đầu tư,và cái đó là cái quyết định bởi vì không có đất thì chúng ta không thể xây được".
Trong 4 tháng giãn cách xã hội, nhiều gia đình phải sống trong những khu nhà trọ có diện tích chật hẹp. Hình minh họa.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng phải lên kế hoạch, quy hoạch các khu đất dành cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ. Theo kinh nghiệm các nước đây là các khu đô thị xa trung tâm thành phố và được kết nối hạ tầng thuận tiện.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HOREA) cho biết: "Các khu đó ở các nước gần chúng ta thì họ xây dựng cách trung tâm của đô thị đó trên dưới 30km, nhưng được kết nối giao thông cực kỳ thuận lợi, người dân chỉ đi trong phạm vi chưa đến 1 tiếng, như vậy mới thu hút được người dân về ở các khu đô thị vệ tinh".
Ngoài ra, ông Châu cũng cho rằng, Nhà nước cần tiếp tục thực thi các chính sách ưu đãi tín dụng, vốn cho người mua nhà, và chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp.
Ông Lê Hoàng Châu cho biết thêm: "Chúng ta cũng phải giải quyết bài toán vốn cho nhà ở xã hội theo đúng tinh thần của Luật Nhà ở, bên cạnh đó chúng tôi rất kỳ vọng Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về đề án phát triển nhà ở thương mại giá thấp với những cơ chế chính sách trong đó có cơ chế hỗ trợ về tín dụng, về bài toán vốn tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia làm nhà ở thương mại giá thấp".
Một vấn đề khác là Nhà nước cần phải linh hoạt phát triển các loại hình nhà ở giá rẻ. Bởi theo các chuyên gia, đối với công nhân, người lao động thu nhập thấp, Nhà nước nên tư duy đáp ứng nhu cầu về "chỗ ở" chứ không phải là nhu cầu về "sở hữu nhà ở".
Ví dụ như các loại nhà ở xã hội cho thuê hàng tháng, nhà bán trả góp dài hạn, nhà lưu trú công nhân, nhà ở công đoàn, và nhà ở thương mại giá thấp.
Tổng quy mô dân số của thành phố Hồ Chí Minh, kể cả người nhập cư khoảng gần 13 triệu dân. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, số lượng nhà ở của thành phố hiện chỉ ở con số 2 triệu căn. Do vậy, nhu cầu là rất lớn, thành phố cần có những đột phá, tháo gỡ các khó khăn về chính sách đầu tư, tạo lập quỹ đất thì mới có thể giúp tạo nguồn cung nhà ở dồi dào hơn cho người dân thành phố trong thời gian tới.