Năm 2019 đánh dấu sự hồi phục đáng kể trong kết quả kinh doanh của Vinamilk, tâm thư của Tổng Giám đốc Mai Kiều Liên ghi nhận tại BCTN 2019 cho hay. Dù phải đối diện với nhiều thách thức, bao gồm môi trường cạnh tranh gay gắt và chi phí nguyên liệu nhập khẩu tăng cao, Vinamilk vẫn tăng thị phần thêm 0,2%, tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu trong ngành sữa Việt Nam.
Tương ứng, tổng doanh thu hợp nhất đạt 56.400 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 10.554 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 7,2% và 3,4% so với cùng kỳ, đồng thời vượt kế hoạch đề ra.
Giữa bối cảnh thị trường nội địa dù tiềm năng nhưng vẫn còn nhiều rào cản, mức tăng doanh thu của Công ty chủ yếu nhờ hoạt động đẩy mạnh mở rộng hệ thống phân phối trên toàn Campuchia, đa dạng hóa danh mục sản phẩm.
Doanh thu quốc tế tăng 8,6%, thêm 2 thị trường mới và ra mắt thành công tại Trung Quốc
Ghi nhận, tổng doanh thu tại nước ngoài Vinamilk đạt 3.588 tỷ đồng, tăng 8,6%. Trong đó, Công ty đã tiếp cận và chào hàng đến nhiều đối tác tiềm năng, phát triển được 2 thị trường mới là Ethiopia và Mozambique. Riêng nhà máy sữa Angkor tại Campuchia đạt mức tăng trưởng 25% và gần 15% của hoạt động xuất khẩu trực tiếp.
Đặc biệt, Vinamilk cũng đã ra mắt tại thị trường Trung Quốc, đến nay sản phẩm Công ty đã có mặt tại 8 tỉnh/thành tại quốc gia đông dân này và hiện diện trong các chuỗi siêu thị hiện đại như Hema của Alibaba. Song song, Công ty cũng vừa tăng gấp đôi vốn đầu tư vào Driftwood Dairy Holding Corporation từ 10 triệu USD lên 20 triệu USD.
Tại thị trường nội địa, Vinamilk thu về 47.555 tỷ doanh thu, tăng 6,3%. So với mức tăng trưởng 2,7% trong năm 2018, thành tích năm 2019 chủ yếu được thúc đẩy thông qua sản phẩm chủ lực với mức tăng trưởng 2 chữ số cùng một số dòng sản phẩm cao cấp.
Năm 2019, Vinamilk đã tung mới và tái tung gần 20 sản phẩm ở nhiều phân khúc và ngành hàng khác nhau. Nổi bật là các sản phẩm Sữa bột Organic, Bột dinh dưỡng Organic, Sữa bột Yoko nằm trong chiến lược cao cấp hóa và được người tiêu dùng tích cực đón nhận.
Công ty cũng đa dạng hóa danh mục với sản phẩm có nguồn gốc thực vật như sữa hạt, nước trái cây và các sản phẩm lai như sinh tố sữa (milk smoothie).
Ngoài ra, một phần đóng góp theo ban lãnh đạo còn đến từ chương trình Sữa học đường Quốc Gia. Tính đến cuối năm 2019, Công ty cung cấp sữa cho 21 tỉnh, thành phố đã tham gia chương trình. Cải tiến và cập nhật danh mục sản phẩm là một mục tiêu mà Vinamilk luôn chú trọng qua các năm.
Nguyên liệu tự chủ đạt 12 trang trại với tổng đàn 30.000 con bò
Về vùng nguyên liệu, Công ty cũng mạnh tay xây dựng trang trại đầu tiên với quy mô 8.000 con thuộc Tổ hợp trang trại bò sữa Lao-Jagro tại Lào tổng quy mô 24.000 con (giai đoạn 1). Cùng việc sở hữu 75% cổ phần của GTNFoods – có quyền chi phối tại Sữa Mộc Châu với đàn bò 25.000 con tại cao nguyên Mộc Châu, vùng nguyên liệu của Vinamilk tính đến cuối năm 2019 bao gồm tổng đàn 30.000 con bò tại 12 trang trại chuẩn Global Gap.
Dự kiến trong 2020, Vinamilk sẽ hoàn thiện và có thêm Trang trại Bò sữa Quảng Ngãi đi vào hoạt động trong quý 2, đồng thời một Trung tâm Cấy truyền phôi sẽ đi vào hoạt động cuối tháng 3/2020 nhằm phục vụ nhu cầu chọn lọc cung cấp nguồn gen ưu tú vượt trội với tổng mức đầu tư là 25 tỷ đồng. Vinamilk dự kiến sẽ khởi công xây dựng thêm các trang trại bò sữa tại Đồng Nai, Cần Thơ và Lào.
Công ty cũng thu mua sữa tươi nguyên liệu từ hộ nông dân thông qua 83 trạm trung chuyển, với tổng đàn bò trong dân hơn 100.000 con, sản lượng mỗi ngày đạt 600 tấn sữa.
Cùng lợi thế về hệ thống phân phối, năm 2020 được người cầm cương Vinamilk xác định là năm tăng tốc khi chuyển giao vào một thập kỷ mới, đồng thời là năm thứ 4 của giai đoạn chiến lược 2017-2021.
Vinamilk đặt mục tiêu kinh doanh với doanh thu ít nhất là 62.000 tỷ đồng (tăng 10% khi hợp nhất GTNFoods) và tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên doanh thu tối thiểu 20%, tương đương mức lãi 12.400 tỷ đồng (giảm 3%).
Nếu không tính GTNFoods, Vinamilk đặt chỉ tiêu tăng trưởng doanh thu ít nhất 5% vào năm 2020. Được biết, kế hoạch trên chưa tính đến tác động từ đại dịch COVID-19. Câu hỏi đặt ra, liệu dịch COVID-19 kéo dài sẽ là rào cản với Vinamilk; và tác động sẽ như thế nào?
COVID-19 làm ảnh hưởng doanh thu Sữa học đường
Trả lời, Vinamilk tin rằng những mục tiêu này có thể đạt được, nếu dịch bệnh được kiểm soát. Trong đó, mặc tích cực là các công ty sữa ít bị tác động bởi COVID-19 so với các ngành công nghiệp khác, bởi nhu cầu đối với thực phẩm thiết yếu (bao gồm sữa) vẫn là ưu tiên tiêu dùng trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, ghi nhận bởi Chứng khoán SSI.
Thực tế cho thấy, các sản phẩm khuyến khích tăng cường miễn dịch và bổ sung dinh dưỡng cho trẻ em, người cao tuổi thậm chí tăng trưởng tốt trong giai đoạn đầu bùng phát dịch. Thống kê bởi Kantar Worldpanel, tiêu thụ sữa 8 tuần qua tăng 8,5% tính đến ngày 23/2, dẫn đến kết luận những dòng sản phẩm sữa chua, sữa cho trẻ em và sữa bột dành cho người lớn đang là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng.
Nhưng, vẫn có mặt tiêu cực thể hiện qua việc doanh số chương trình Sữa học đường (chiếm gần 3% tổng doanh số nội địa) sẽ bị ảnh hưởng từ việc đóng cửa trường học.
Đồng thời, việc cách ly, hạn chế đi lại trong giai đoạn dịch đã, đang làm thay đổi thói quen tiêu dùng. Ghi nhận tại các cửa hàng bà mẹ, siêu thị… tần suất mua sắm của khách hàng giảm, ngược lại tổng chi tiêu cho một lần mua tăng.
Theo Nielsen & Infocus, người tiêu dùng bắt đầu có xu hướng thích mua hàng tại các cửa hàng tiện lợi, đảm bảo vệ sinh cũng như mua sắm trực tuyến. Điều này có thể ảnh hưởng đến doanh số FMCG, bao gồm việc tiêu thụ sữa ngắn hạn, đặc biệt là ở miền bắc Việt Nam.
Trên thị trường, chịu ảnh hưởng bởi áp lực chung, cổ phiếu VNM giảm đáng kể (>25%) từng tiến sát về vùng 80.000 đồng/cp. Theo đó, ban lãnh đạo gồm bà Mai Kiều Liên đã đăng ký mua 400.000 cổ phiếu, TV HĐQT kiêm Giám đốc Tài chính – ông Lê Thành Liêm đăng ký mua 200.000 đơn vị... Đến nay, VNM đang hồi phục nhẹ so với đáy.