Thông báo từ Đảng Bảo thủ Anh cho biết, Cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak đã chiến thắng và trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ. Ông sẽ kế nhiệm bà Liz Truss, trở thành Thủ tướng thứ ba của Anh trong vòng chưa đầy hai tháng và là Thủ tướng gốc Ấn đầu tiên của Anh.
Được biết, ông Rishi Sunak cũng là người ủng hộ đưa Anh rời Liên minh châu Âu (EU) khi bày tỏ tin tưởng Brexit sẽ giúp Anh "tự do hơn, công bằng hơn và thịnh vượng hơn".
Ngoài ra, thay đổi chính sách nhập cư cũng là lý do chính khiến ông Rishi Sunak ủng hộ Brexit. "Tôi tin rằng chính sách nhập cư đúng đắn có thể có lợi cho đất nước chúng ta. Nhưng trước tiên, chúng ta phải kiểm soát biên giới của mình", ông Rishi Sunak nói.
Tháng 2/2020, ông Rishi Sunak thu hút sự chú ý khi được ông Boris Johnson, người kế nhiệm bà May, chọn làm Bộ trưởng Tài chính, vị trí quan trọng nhất nội các Anh sau Thủ tướng, khi 39 tuổi. Ngay sau đó, ông Rishi Sunak được biết đến nhiều hơn qua gói hỗ trợ kinh tế cho người lao động và doanh nghiệp trong đại dịch, nổi bật là xây dựng cơ chế nghỉ phép giúp hàng triệu người vượt qua giai đoạn phong tỏa.
Phần lớn Nghị sĩ đảng Bảo thủ Anh đang coi chính trị gia 42 tuổi này là vị cứu tinh của họ cho cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị đang diễn ra tại Anh, sau nhiều tháng đất nước liên tục đối mặt với những hỗn loạn, ban đầu là từ hàng loạt bê bối của ông Boris Johnson, sau đó là chính sách kinh tế sai lầm của bà Liz Truss.
Dự kiến sau khi trở thành Thủ tướng, ông Sunak sẽ phải đối mặt với thách thức to lớn trong việc ổn định lại chính trường nước Anh sau một thời kỳ hỗn loạn lịch sử của thị trường tài chính và chính trị, bên cạnh việc đưa Vương quốc Anh vượt qua thời kỳ suy thoái kinh tế.
Một báo cáo của chính phủ mới công bố cho thấy doanh số bán lẻ tại Anh đã giảm 1,4% trong tháng 9, một mức giảm tồi tệ hơn dự kiến. Và niềm tin của người tiêu dùng đang ở gần mức thấp nhất được ghi nhận khi lạm phát quay trở lại mức cao nhất trong 40 năm.
Ông Rishi Sunak gặp các thành viên của Ủy ban 1922 sau khi được thông báo ông sẽ trở thành lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ ngày 24/10. Ảnh: PA.
Bức tranh về tình hình tài chính của Vương quốc Anh cũng trở nên tiêu cực hơn với các dữ liệu được công bố cho thấy rằng chính phủ Anh đã vay ròng 20 tỷ bảng Anh (22 tỷ đô la) vào tháng 9, nhiều hơn 5,2 tỷ bảng Anh (5,7 tỷ đô la) so với dự kiến của Cơ quan Giám sát tài chính quốc gia.
Ông Chris Williamson, chuyên gia kinh tế trưởng tại S&P Global Market Intelligence, cho biết: “Sự bất ổn chính trị và kinh tế gia tăng đã khiến hoạt động kinh doanh giảm với tốc độ chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, nếu không tính đến những tháng bế tắc do đại dịch COVID-19”.
Chuyên gia này nhận định, ông Sunak cần học được bài học rằng bất kỳ biện pháp kích thích kinh tế nào ngoài việc hỗ trợ ngay lập tức cho các hóa đơn năng lượng trong thời điểm hiện tại đều không phù hợp.
Đồng quan điểm, ông Carl Emmerson, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Ngân sách Tài chính cho biết “Trọng tâm chính của Thủ tướng tiếp theo là cần một kế hoạch đáng tin cậy để đảm bảo rằng nợ chính phủ có thể giảm trong trung hạn”.
Mặt khác, các nhà đầu tư và nhà kinh tế tại Anh cũng kỳ vọng kế hoạch cải cách kinh tế do Bộ trưởng Tài chính đương nhiệm Jeremy Hunt vạch ra sẽ vẫn được giữ nguyên. Theo James Athey, Giám đốc đầu tư tại Abrdn cho biết điều đó có thể giữ cho thị trường tài chính nằm trong tầm kiểm soát, ít nhất là vào thời điểm hiện nay.
Nếu đi đúng hướng, ông Sunak sẽ xoay chuyển kết quả giúp của đảng Bảo thủ khỏi nguy cơ bị Công đảng vượt mặt trong cuộc tổng tuyển cử 2 năm tới. Quan trọng hơn, ông Rishi Sunak sẽ giúp nước Anh thoát khỏi giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng kể từ sau khi Brexit diễn ra.