Điểm sáng tăng trưởng và xuất khẩu
Bức tranh kinh tế nửa đầu năm có nhiều điểm sáng tích cực ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Kinh tế 6 tháng vừa qua tăng trưởng 6,42%, con số này cao hơn tốc độ tăng năm liền trước khi nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đặc biệt, quý II vừa qua, GDP tăng 7,72% - mức cao nhất trong 10 năm (2021-2020).
6 tháng đầu năm còn ghi nhận cán cân thương mại thặng dư 710 triệu USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 186 tỷ USD, tăng gần 16%. Con số này tích cực hơn rất nhiều so với việc nhập siêu 1,47 tỷ USD của năm ngoái.
Bên cạnh đó, nửa đầu năm, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt 116.900, tăng gần 56% so với cùng kỳ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử thống kê, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động vượt mốc 100.000.
Kết quả vừa nêu có được là nhờ nỗ lực triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 11 cùng với chính sách nới lỏng giãn cách xã hội và hoàn thành tiêm vaccine trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 của Chính phủ. Chính điều này đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trở lại hoạt động bình thường.
Tuy nhiên, cũng phải nói rằng kết quả nửa đầu năm có được như vừa nêu là so với một mức nền thấp của cùng kỳ năm trước khi nền kinh tế phải trải qua làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 - bùng phát từ đầu quý II với những đợt lockdown và giãn cách xã hội kéo dài chưa từng có trong tiền lệ tại nhiều địa phương như Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh, Đà Nẵng và TP HCM.
Thách thức lạm phát và lao động
Bên cạnh những điểm sáng như vừa nêu, kinh tế nửa đầu năm còn phải đối mặt với 2 thách thức lớn đó là tình trạng giá hàng hóa tăng cao và thiếu hụt lao động.
Việc giá dầu tăng cao đã ảnh hưởng đến giá hàng loạt mặt hàng khác, đặc biệt là giá nguyên liệu sản xuất, chi phí logistics tăng cao, kéo theo đó là giá hàng hóa thành phẩm bị đội lên cao. Kết quả khảo sát chỉ số PMI tháng 6 cho thấy giá bán thành phẩm sản phẩm công nghiệp có thấp hơn so với tháng trước dù vẫn ở mức cao so với trung bình trong 11 năm qua, do chi phí đầu vào (giá khí đốt, giá dầu, cước phí vận chuyển và giá nguyên vật liệu) leo thang.
Trong bối cảnh như vậy, hoạt động sản xuất, bán hàng đều khó khăn đã ảnh hưởng tới kế hoạch hoạt động và mở rộng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh.
Năm nay, nhu cầu tuyển dụng năm nay của doanh nghiệp là gần 1,3 triệu lao động, tăng 18% so với năm trước, chủ yếu là lao động phổ thông, lao động không yêu cầu có bằng cấp chứng chỉ (chiếm 75%).
Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội cho rằng nguồn cung lao động chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế, đặc biệt đối với lao động có trình độ chuyên môn cao. Một số địa phương, khu vực, ngành nghề vẫn đang xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, thiếu hụt nguồn cung cục bộ.
Lao động thiếu hụt chủ yếu là lao động phổ thông ở ngành dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ và một số ngành bị tác động mạnh, phải dừng hoạt động dài như du lịch, giáo dục...
Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội dự báo năm nay thị trường lao động vẫn chịu những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 và vẫn còn tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ, thiếu hụt lao động tại các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, do lao động chưa sẵn sàng quay trở lại làm việc.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia còn cho rằng ở thời điểm hiện tại lạm phát trong nước chưa phải là vấn đề quá nóng như EU hay Mỹ nhưng nguy cơ và sức ép là hiện hữu, đặc biệt trong những tháng nửa cuối của năm. Vì vậy, việc điều hành giá cả được khuyến nghị thận trọng để đảm bảo đạt được mục tiêu tăng 4%.
Thách thức suy thoái kinh tế toàn cầu
Ngay sau khi Tổng cục Thống kê công bố kết quả kinh tế - xã hội 6 tháng, UOB điều chỉnh tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam từ mức 6,5% trước đó lên mức 7%, giả định không có thêm sự gián đoạn nào do Covid-19 và GDP của 6 tháng cuối năm được dự báo tăng 7,6-7,8%.
Ngoài ra, so với các nước trong Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Việt Nam là nước duy nhất được WB nâng dự báo GDP cả năm nay từ mức tăng 5,5% lên 5,8%, trong báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu.
Nhưng cũng tại báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu này, WB điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm nay từ mức 4,1% xuống còn 2,9%. Trước đó, IMF dự báo kinh tế toàn cầu trong năm nay và năm sau tăng trưởng 3,6%, giảm lần lượt 0,8 và 0,2 điểm % so với mức dự báo được đưa ra hồi đầu năm.
Trên thực tế, kinh tế thế giới đã phát triển chậm lại trong nửa đầu năm nay. Cụ thể, kinh tế Mỹ quý I tăng 1,7% - mức tăng trưởng thấp và dự báo quý II sẽ không tăng. Tương tự tại Trung Quốc, quý I nền kinh tế này tăng trưởng 4,8%, trong khi quý I năm trước đã tăng 18,3%.
Yếu tố chính dẫn đến việc tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại bao gồm chi phí thực phẩm và nhiên liệu tăng cao. Lệnh trừng phạt của phương Tây đối với năng lượng Nga đã dẫn đến tình trạng giá dầu và khí đốt trên toàn thế giới leo thang.
Cùng với đó, sự đứt gãy nguồn cung nhiều loại hàng hóa quan trọng như nông sản, nhiên liệu, kim loại từ Nga và Ukraine khiến giá cả liên tục tăng mạnh. Chính sách zero Covid-19 của Trung Quốc ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu cũng là nguyên nhân khiến triển vọng phục hồi kinh tế thế giới sau 2 năm đại dịch ngày càng khó khăn hơn.
Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình chính trị thế giới phức tạp, khó lường. Diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang tiếp tục tăng mạnh gây gián đoạn chuỗi cung ứng, đặc biệt là giá xăng dầu tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế của Việt Nam trong những tháng còn lại của năm nay.
Mặt khác, 37% nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ sản xuất trong nước là nhập khẩu từ nước ngoài. Trong năm vừa qua và những tháng đầu năm nay, giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng rất mạnh. Nền kinh tế có độ mở cao sẽ phải chịu nhập khẩu lạm phát. Nói cách khác, sản xuất trong nước sẽ phải chịu giá thành tăng cao hơn.
Thêm nữa, các ngân hàng trung ương tăng lãi suất cũng sẽ tác động đến tỷ giá hối đoái của Việt Nam, việc làm sao để giữ ổn định cho kinh tế trong nước là thách thức lớn.
Ngoài ra, nhiều nước tăng lãi suất cũng sẽ tác động lớn đến kinh tế Việt Nam. Khi lãi suất tăng, các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ tính toán lại dòng vốn, họ có thể sẽ quay dòng vốn trở về chính quốc, nơi mà dòng tiền có giá trị hơn. Mặt khác, khi chính phủ các nước nâng lãi suất cũng ảnh hưởng đến thương mại Việt Nam bởi nâng lãi suất làm tiền Việt mất giá đi, xuất khẩu khó hơn. Đồng thời, khi lãi suất tăng cao, kinh tế các nước suy giảm, tổng cầu của họ cũng suy giảm theo, điều này một lần nữa ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Do đó, mục tiêu tăng trưởng 6,5% đặt ra cho năm 2022 là thách thức lớn đối với hoạt động điều hành kinh tế vĩ mô 6 tháng còn lại của năm.
Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, Bộ Kế hoạch & Đầu tư kiến nghị phấn đấu GDP năm nay đạt mục tiêu tăng 7%, cao hơn 0,5 điểm phần trăm so với mục tiêu Quốc hội giao và Chính phủ đề ra, nhằm tạo động lực tăng trưởng kinh tế cho năm tới.
Theo đó, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm. Trong đó, ở kịch bản 1, GDP quý III và quý IV cần tăng trưởng 7,9% và 5,5% để mục tiêu cả năm nay GDP tăng trưởng 6,5%.
Ở kịch bản thứ 2, GDP quý III và IV cần tăng 9% và 6,3% để GDP cả năm tăng 7%.