Thực hiện Công ước đa phương về thực hiện các biện pháp liên quan đến Hiệp định nhằm ngăn ngừa xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận, với gần 140 nước, vùng lãnh thổ tham gia, các công ty, tập đoàn đa quốc gia sẽ chịu mức thuế tối thiểu là 15% dù hoạt động ở bất cứ quốc gia nào. Liệu Việt Nam có mất lợi thế thu hút đầu tư nhờ thuế ưu đãi hấp dẫn, bởi đặt thuế suất có hiệu lực dưới ngưỡng 15% sẽ ảnh hưởng đến các quyết định đặt địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp và khả năng thu thuế.
Theo quy tắc trụ cột II " Thuế tối thiểu toàn cầu " của OECD, những doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia sẽ phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp ít nhất là 15%. Mức thuế này áp dụng tại bất kỳ quốc gia nào doanh nghiệp đó hoặc công ty con hoạt động.
"Cần sớm nội luật hóa thuế này để giảm ảnh hưởng đến các công ty đã đầu tư vào Việt Nam, cũng như tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư lớn đang có ý định đầu tư vào Việt Nam", ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, nêu quan điểm.
Tại Việt Nam, khi thuế suất phổ thông là 20%, thuế thực tế với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong kỳ ưu đãi trung bình là 12,3%, trong đó một số tập đoàn lớn chỉ ở mức vài %. Khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng, một số tập đoàn lớn sẽ phải nộp thêm một phần thuế bổ sung ở nước khác nơi có trụ sở chính.
"Điều họ quan tâm là sẽ trả phần thuế đó ở quốc gia nơi đặt công ty mẹ hay là tại nơi họ đang hoạt động? Việt Nam nếu chậm triển khai không chỉ bị mất khoản chênh lệch này, mà cùng với đó lợi thế cạnh tranh cũng bị ảnh hưởng. Trước mắt cần sớm tính toán và triển khai thuế tối thiểu nội địa để giành quyền thu thuế trước", ông Robert King, Lãnh đạo Dịch vụ thuế khu vực Đông Dương, Công ty tư vấn Ernst & Young Việt Nam, cho biết.
Theo các chuyên gia, chính sách ưu đãi đầu tư sẽ bị giảm hiệu lực, tác động trước hết đến doanh nghiệp đầu tư lớn, thu hút mới các dự án đầu tư, hay các doanh nghiệp đang được hưởng chính sách ưu đãi, quyết định mở rộng đầu tư của nhà đầu tư đang hoạt động. Như vậy, Việt Nam cần tiếp tục củng cố lợi thế cạnh tranh.
"Thuế không phải là yếu tố thúc đẩy quyết định đầu tư, mà là mục tiêu đầu tư. Việt Nam cần tiếp tục tạo môi trường đầu tư tốt, được pháp luật bảo vệ, lao động chất lượng cao, hỗ trợ cơ sở hạ tầng tốt thì Việt Nam không cần ưu đãi thuế bởi tự khắc đây đã là các yếu tố cạnh tranh", ông Frederick Burke, Tổng Giám đốc Công ty luật Baker - McKenzie Việt Nam, nhận định.
Các nước và vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư như Indonesia, Malaysia, hay Hong Kong (Trung Quốc) cũng đang tích cực chuẩn bị cho việc chính thức áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu từ năm sau. Do vậy, Việt Nam cần sớm tính đến điều này để không bị đánh mất quyền thu thuế va đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước và nhà đầu tư.