Vụ tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương) cho biết trong giai đoạn 2001 – 2020, nhu cầu năng lượng đã tăng khoảng 10%, trong đó, điện tăng 13% (giai đoạn 2001 – 2010) và dao động từ 10 – 10,5% giai đoạn 2011 – 2015.
Bộ Công thương cũng cho biết với kịch bản tăng trưởng GDP bình quân 7% từ 2016 – 2030, tộc độ điện thương phẩm toàn quốc ở các giai đoạn 2016 – 2020, 2021 – 2025 – và 2026 – 2030 lần lượt phải là 10,6% - 8,5% - 7,5%.
Dù vậy, công suất phát điện của toàn hệ thống, theo nghiên cứu của VCBS hồi tháng 10/2018 cho thấy chỉ tương ứng 5,5%, tức bằng 1/2 nhu cầu về điện đang là 10,7%. Năm 2019, các dự báo cho thấy nhu cầu về điện dự kiến là 241 tỷ USD. Do vậy, vấn đề về đảm bảo an ninh năng lượng được xem là một bài toán quan trọng cần được giải đáp của nền kinh tế gần 100 triệu dân này.
Việt Nam theo đánh giá của Nikkei Asian Review đang sản xuất điện dựa nhiều vào than đá. 40% sản lượng điện của đất nước là điện than, ngang ngửa với thuỷ điện, Nikkei cho biết.
Tuy nhiên, điện than gây tác động tiêu cực đến môi trường và sức khoẻ con người. Ước tính của cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cho thấy với mỗi 1kg than đá nguyên liệu đầu vào cho nhiệt chứa 2,69 mg thạch tín; 0,091 mg thuỷ ngân; 7mg chì...
Khí thải từ các nhà máy này cũng được cảnh báo sẽ dẫn đén nguy cơ tăng các bệnh ung thư phổi, đột quỵ và bệnh đường hô hấp, theo cảnh báo của các nhà nghiên cứu ĐH Harvard và Greenpeace.
Nhưng đầu tư điện than Việt Nam vẫn đang nhận được nhiều sự quan tâm. Hiện Việt Nam đang đứng thứ 2 trong danh sách các nước có dự án điện than nhận đầu tư từ Trung Quốc với 13.380 MW và xếp thứ 4 về tổng giá trị khi số tiền được cam kết là 3,6 tỷ USD, tính đến tháng 7/2018, theo Viện Kinh tế năng lượng và phân tích tài chính (IEEFA).
Viện này cũng thống kê rằng 4.800 MW đã trong quá trình xây dựng và 3.000 MW đã được cấp phép, 5.580 MW – tức 42% còn lại, đã được cam kết tài trợ.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang ý thức về vấn đề này. Ông Lê Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) nói rằng đất nước đang trong bước ngoặt của quá trình chuyển đổi năng lượng. Theo đó, Việt Nam sẽ giảm dần sự phụ thuộc vào nhiệt điện, vốn ô nhiễm và lạc hậu. Nền kinh tế sẽ phải nhanh chóng ứng dụng các công nghệ năng lượng sạch, hiện đại như điện mặt trời, điện gió và điện khí tự nhiên.
Trong khoảng 2 năm trở lại đây, đầu tư năng lượng tái tạo đang trở nên bùng nổ tại Việt Nam. Tính đến hết tháng 9/2018, Bộ Công thương cho biết đã có hơn 120 dự án điện mặt trời được phê duyệt vào quy hoạch phát triển điện quốc gia. Đến năm 2020, tổng công suất phát điện là hơn 6.100 MW và đạt 7,200 MW vào năm 2020.
Và tính đến tháng 1.2019, Bộ này đã xin bổ sung thêm 17 dự án điện mặt trời đã hoàn thành thẩm định vào quy hoạch.
Bên cạnh đó, khí đốt cũng là một biện pháp thân thiện với môi trường. 1 đơn vị năng lượng của loại nguyên liệu khi bị đốt sẽ sinh ra một lượng CO2 ít hơn khoảng 30% so với đốt dầu và 45% so với đốt than. Còn với Nox thì có thể giảm tới 90% và không thải ra bụi... IEA cũng đánh giá khí tự nhiên sẽ đoạt vị trí nguồn năng lượng thứ hai thế giới sau dầu, than đá vào năm 2030 vì nỗ lực giảm ô nhiễm môi trường.
Tại Việt Nam, tỷ trọng điện khí gas sẽ chiếm khoảng 16% tổng sản lượng khí ga của cả nước và tăng thành 19% đến năm 2025, theo ông Nguyễn Quyết Thắng, Phụ trách Ban Thị trường, PVGas.
Tuy nhiên, lượng khí đốt của Việt Nam được dự báo sẽ giảm sản lượng nhanh chóng sau năm 2020 khi các mỏ cạn kiệt. Do vậy, Việt Nam đang tính đến phương án nhập khẩu. Theo quy hoạch, nhập khẩu khí ga hoá lỏng giai đoạn 2021 – 2025 là 1 – 3 tỷ m3/năm; giai đoạn 2026 – 2035 tăng lên thành 6 – 10 tỷ m3/năm.
Nikkei vừa qua đã dẫn thông tin tiết lộ Petrolimex và PVN đang có kế hoạch mở trạm khí đốt tự nhiên hoá lỏng (LNG) đầu tiên. Gần 10 trạm chứa LNG cũng đang trong giai đoạn lập kế hoạch trên khắp Việt Nam.
Hãng tin này cũng cho rằng Việt Nam đang tiếp bước các nước láng giềng để nhập LNG. Là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên nhập khẩu LNG vào năm 2011, đến năm 2017 Thái Lan đã đạt mức 3,95 triệu tấn; Malaysia đạt 1,8 triệu tấn nhiên liệu này nhập khẩu, tăng 40%. Indonesia, xuất phát điểm là nhà sản xuất LNG, cũng bắt đầu nhập khẩu từ 2020.