Ông Phạm Thành Nhương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thái Bình cho biết, cúm gia cầm A/H5N6 xuất hiện tại huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình.
Cụ thể, tại hộ ông Nguyễn ĐứcThuần, thôn Lưu Đồn, xã Thụy Hồng (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) đang nuôi 1.000 con vịt cánh trắng (vịt được 46 ngày tuổi). Từ ngày 23/6 đến 26/6, vịt chết gần 300 con. Trước khi chết, vịt có biểu hiện ốm, bỏ ăn.
Qua kiểm tra lâm sàng của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Bình, vịt ốm có biểu hiện tiêu chảy phân trắng, một số con có triệu chứng thần kinh. Tiến hành mổ khám, có biểu hiện xuất huyết khí quản, xuất huyết mỡ vành tim, sưng túi mật và gan chuyển màu vàng.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã lấy ba mẫu gửi xét nghiêm chẩn đoán virus cúm gia cầm tại Chi cục Thú y vùng II (Cục Thú y), kết quả cả ba mẫu đều dương tính với virus cúm gia cầm A/H5N6. Hiện nay, hơn 700 con vịt được thu gom, chôn sâu và xử lý hóa chất kết hợp vôi bột.
Cũng theo ông Phạm Thành Nhương, nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm tại Thái Bình là khá cao do thời tiết vẫn nắng nóng cao điểm. Đặc biệt kiểm tra cho thấy cả đàn vịt 1.000 con bị nhiễm bệnh của gia đình ông Thuần đều không được tiêm phòng bất cứ một loại vaccine nào.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thái Bình xác nhận xuất hiện cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh này - Ảnh: Hoàng Long
Để khoanh vùng dịch, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thái Bình đã lấy mẫu ở hai hộ chăn nuôi vịt liền kề gửi xét nghiệm (đều cho kết quả âm tính), tiến hành duy trì việc khử trùng tiêu độc ngày một lần, liên tục trong ba ngày tại các khu vực chăn thả vịt của hộ ông Thuần, cũng như các hộ chung quanh bằng hóa chất hoặc vôi bột.
Trên diện rộng, tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo những hộ nuôi gia cầm thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine cho đàn gia cầm. Tuyên truyền về tình hình dịch bệnh để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống cho đàn gia cầm và cho người.
Xét nghiệm lâm sàng vịt chết xác nhận bệnh cúm - Ảnh: Hoàng Long
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thái Bình, thời điểm này, dịch tả lợn Châu Phi vẫn đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nông nghiệp nói riêng, kinh tế Thái Bình nói chung. Tính đến cuối tháng 6, toàn tỉnh đã tiêu hủy trên 354.000 con lợn các loại với tổng trọng lượng gần 18.000 tấn, bằng 35,8% tổng đàn lợn trong tỉnh. Tổng kinh phí hỗ trợ người chăn nuôi có lợn phải tiêu hủy là gần 700 tỷ đồng.